Sáng chế đèn lặn từ vỏ chai

  •  
  • 3.835

Từ chiếc vỏ chai và những vật liệu giản đơn, một ngư dân mày mò sáng chế ra đèn lặn, được những thợ lặn mưu sinh dưới đáy đại dương ưa thích bởi giá thành rẻ, sử dụng an toàn, hiệu quả.

Người sáng chế ra đèn lặn là ông Nguyễn Thanh Nam (48 tuổi, ở thôn Gành Cả, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nổi tiếng khắp vùng với thương hiệu "Nam đèn biển".

Nhớ biển, sáng chế ra đèn lặn

Năm 1986, sau khi rời quân ngũ về quê lập gia đình, cuộc đời ông bắt đầu gắn chặt với biển. Suốt 10 năm săn hải sâm dưới lòng đại dương, ông thuộc lòng từng con nước nơi vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng sau một lần sơ sẩy khi lặn ở độ sâu 35m tại vùng biển Hoàng Sa, toàn thân ông bị tê liệt.

Ông Nam đang làm những chiếc đèn lặn "Nam đèn biển"
Ông Nam đang làm những chiếc đèn lặn "Nam đèn biển"

Mấy năm trời chữa trị khắp nơi, ông mới đi lại được nhưng chân phải vẫn còn khập khiễng. Sức khỏe suy giảm, giấc mơ bám biển tiêu tan song tình yêu biển, khát khao chinh phục lòng đại dương vẫn luôn cháy bỏng, đau đầu trong tim.

Nhớ những ngày tháng vẫy vùng dưới biển sâu, ông cùng cánh thợ lặn ở làng chài Gành Cả vẫn thường sử dụng đèn pin vỏ sắt (loại 2 viên pin đại) rồi lấy bao nilon bọc bên ngoài. Thế nhưng, loại đèn này liên tục bị hư hỏng do bị vô nước hoặc bị áp suất quá lớn của nước làm bể toác, nên mỗi đêm phải thay hàng chục cái, rất tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Sau nhiều tháng mày mò, ông cho ra lò loại đèn lặn đầu tiên, song chỉ chịu ở mức độ sâu khoảng 15m.

"Như thế là thất bại rồi, nhưng tui không nản chí. Hai tháng trời ròng rã nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần, cuối cùng những chiếc đèn lặn của tui cũng được thợ lặn ưa chuộng, làm ra không đủ bán. Nói thiệt, lúc đó, tui mừng vô kể", ông Nam cười. Mỗi ngày cặm cụi, ông chế được 50 đèn lặn, mỗi đèn có giá hơn 20.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, lãi vài ngàn đồng một cái.

Giản đơn mà hiệu quả

Cầm chiếc đèn lặn chuẩn bị "xuất xưởng", ông Nam giới thiệu những vật liệu, gồm: vỏ chai, bóng đèn tròn loại 100W -127V, miếng mút, xi măng, nhựa đường, giấy và một đoạn dây điện. "Xưởng chế tạo" được đặt nhà bếp, các thiết bị sản xuất cũng thật đơn giản: một bếp than tổ ong, một cái xoong để nấu nhựa đường, 2 vòng tròn bằng sắt phi 6 có tay cầm dài khoảng 30cm.

Sau khi cắt cổ chai, ông Nam rửa sạch rồi đưa bóng đèn tròn vào bên trong cách đáy hơn 2cm, dùng một miếng mút tròn được khoét lỗ ở giữa để cố định chuôi đèn cùng với dây điện dài 30cm ở giữa lòng chai, đổ một lớp xi măng dày 3cm, sau đó bó một lớp giấy bên ngoài rồi đổ tiếp nhựa đường trám cả miệng chai.

"Lớp xi măng không những cố định được bóng đèn không rung lắc, tạo độ nặng mà còn giữ lớp nhựa đường phía trên không tụt xuống. Còn bó lớp giấy, đổ nhựa đường trám lên trên cả miệng chai để tạo độ kín. Như thế nó mới chịu nổi áp suất của nước ở độ sâu 40-50m", ông Nam giải thích.

Hàng ngàn chiếc đèn lặn làm từ vỏ chai mang thương hiệu "Nam đèn biển" đã theo chân những người thợ lặn ở Quảng Ngãi soi sáng đáy đại dương. Thợ lặn Tiêu Viết Thành (cũng ở xã Bình Châu) nói rằng loại đèn lặn của ông Nam rất an toàn, hiệu quả và tiện lợi khi sử dụng. Chỉ cần nối điện từ máy nổ của tàu xuống là có thể lặn sâu dưới biển 40-50m mà không lo đèn bị hỏng, ánh sáng phát ra khá rõ, xa đến 4m nên dễ dàng phát hiện cá, tôm.

Theo Bee
  • 3.835