Ống nghiệm chứa hơi thở cuối cùng của Thomas Edison

  •  
  • 2.472

Người ta nói rằng trong một chiếc ống nghiệm tại Bảo tàng Henry Ford, Dearborn, bang Michigan, Mỹ đang lưu giữ "hơi thở cuối cùng của nhà phát minh Edison" ngay trước khi ông lâm chung vào 3:24 am ngày 18/10/1931. Liệu đó là sự thật? Làm sao người ta lưu giữ được nó? Nếu có thì lưu giữ để làm gì? Thật ra mọi chuyện bắt đầu từ tình bạn tuyệt vời giữa Edison và Henry Ford, đôi bạn cùng nhau kiến tạo nên tương lai của con người hiện đại.

Câu chuyện về ống nghiệm chứa hơi thở của Thomas Edison

Ford và Edison là đôi bạn thân của nhau. Ford rất ngưỡng mộ người bạn lớn tuổi hơn là Edison, người đã khuyến khích Ford tiếp tục phát triển xe hơi chạy bằng gas. Trong năm cuối đời, Edison về sống tại căn nhà nghỉ dưỡng mà ông mua trước đó tại miền Fort Myers, Floria. Khi ấy, Ford cũng mua một căn nhà sát bên cạnh và cả 2 cùng ngồi xe lăn bên nhau.

Edison ra đi vào năm 1931 còn Ford thì vào năm 1947. Sau khi vợ của Ford là bà Clara qua đời vào tháng 9/1950, toàn bộ vật dụng của ông được chuyển tới bảo tàng Henry Ford. Vào tháng 5 năm 1951, người ta phát hiện ra trong số hàng trăm vật dụng có sự xuất hiện của một chiếc ống nghiệm nút kín đặt cùng với chiếc mũ, giày dép của Edison. Và khi đó, người ta cũng không chú ý tới chiếc hộp đó.

Mãi cho tới 1978 trong một triển lãm với tựa đề "Henry Ford - A Personal History", người ta thấy sự xuất hiện của một chiếc mũ, những đôi giày dép và chiếc ống nghiệm nút kính trưng bày trong lồng kính. Khi đó, một vài nhân viên trong viện bảo tàng chợt nhớ những món đồ trên còn đi kèm một mẩu ghi chú với nội dung "Đây là chiếc ống nghiệm mà ông yêu cầu từ phòng ngủ của cha tôi". Tuy nhiên, người ta lục lại thì không tìm thấy mẩu giấy đó nữa và chiếc lồng kính được chú thích là:

"Hơi thở cuối cùng của Edison? Người ta cho rằng Henry Ford đã yêu cầu Charles, con của Thomas A. Edison, lấy lại hơi thở cuối cùng từ phổi của Edison - một người hùng và người bạn của Ford. Chiếc ống nghiệm này được tìm thấy tại dinh thự của Ford cùng với mũ, giày dép của Edison".

Ống nghiệm chứa hơi thở cuối cùng của Thomas Edison
Hỉnh ảnh chiếc ống nghiệm được cho là chứa hơi thở cuối cùng của Thomas Edison lưu giữ tại bảo tàng Henry Ford.

Vào cuối những năm 1980, bảo tàng Henry Ford nhận được bản photo của bức thư gởi từ Charles A. Edison, con trai của Edison, gởi cho một phát thanh viên. Bản gốc của bức thư vẫn chưa được biết tới nhưng nó được viết vào ngày 27/6/1953 và nội dung là:

"Trong suốt những giây phút lâm bệnh cuối cùng của Edison, bên cạnh ông luôn có 8 chiếc ống nghiệm rỗng. Chúng được lấy từ bàn làm việc của ông tại Phòng thí nghiệm hóa học ở West Orange. Mặc dù ông được biết tới như một nhà phát minh, nghiên cứu ở lĩnh vực điện, nhưng tình yêu thật sự của ông là hóa học. Điều này không có gì lạ, nhưng là một biểu tượng, rằng những chiếc ống nghiệm này đã ở bên cạnh ông ở những phút cuối đời. Ngay sau khi ông qua đời, tôi đã yêu cầu Hubert S. Howe, bác sĩ của ông, niêm phong những chiếc ống nghiệm bằng sáp. Ông ấy đã làm và sau đó, tôi đưa chúng cho ông Ford".

Điều đó có phải là sự thật? Những bức ảnh chụp tại phòng ngủ của Edison cho thấy hai bên giường ngủ của ông có đầy những vật lưu niệm và hình ảnh. Và quả thật, Edison rất yêu thích nghiên cứu hóa học trong suốt cuộc đời của ông. Hubert S. Howe cũng đúng là bác sĩ riêng của Edison, đồng thời là một người bạn của gia đình và cũng là một nghệ sĩ điêu khắc có tiếng. Thậm chí, ông còn được phép làm một chiếc mặt nạ sau khi chết của Edison và lấy phôi bàn tay của ông.

Có vẻ như thật sự Charles đã yêu cầu niêm phong ống nghiệm để lưu giữ kỷ niệm về cha mình. Đồng thời ông đưa cho Henry Ford, một người bạn thân của cha ông, để lưu giữ kỷ niệm, một hơi thở cuối cùng của người đã khuất. Và còn nhớ, não bộ của Einstein cũng được người ta lưu giữ sau khi ông chết như một cách để nhắc nhở người sau vẫn luôn vinh danh, kính trọng những nỗ lực mà các bậc vĩ nhân đi trước thực hiện.

Chiếc ống nghiệm có thể không chứa hơi thở cuối cùng của Edison, nó có thể chỉ là một chiếc ống rỗng nhưng nó là có thật, và thật sự, nó đại diện cho những cống hiến vĩ đại của Edison đối với nhân loại. Có thể ông đã mất, nhưng chiếc ống nghiệm chứng tỏ những gì ông làm được là sống mãi và truyền cảm hứng cống hiến cho rất nhiều nhà khoa học khác sau thời của ông.

Theo Tinh Tế
  • 2.472