Hàng trăm km ống mà Công ty Cấp thoát nước Thừa Thiên Huế đang dùng có tuổi 40-80 năm. Do chất lượng kém, chúng làm đục nước, thường gây vỡ ống hoặc bung miệng xảm, vừa làm mất nước vừa gây nhiễm bẩn vào ống. Một nhóm nghiên cứu của công ty đã có giải pháp phục hồi rẻ tiền thay vì mua ống mới.
|
Các ống cấp nước rỉ sét khi được sử dụng thường gây thất thoát nặng nề. (Ảnh của nhóm nghiên cứu) |
Các ống gang, thép không có lớp tráng xi măng bên trong (kể cả ống tráng kẽm), sau thời gian sử dụng dài tiếp xúc với nước, đặc biệt là với sự có mặt của chất khử khuẩn Clo dư trong nước, hoặc khi nước máy nhiễm mặn sẽ làm cho quá trình ôxy hoá mặt trong của ống tăng nhanh, tạo nên một lớp rỉ xốp ở lòng ống, gây nên hiện tượng nước đục, hàm lượng sắt cao.
Bên cạnh đó, kiểu ống gang, thép cũ thường sử dụng mối nối miệng xảm bằng xi măng và dây day (mối nối cứng) do đó mỗi khi bị tác động của lực bên ngoài, như xe chạy ngang qua, nền đất không ổn định... thường hay bị sự cố làm mất nước trên diện rộng, hoặc gây rò rỉ tại mối nối. Nước đục, nước bẩn cũng làm đồng hồ chạy chậm và nhanh hỏng, gây thất thu nước.
|
Ống nước rỉ sét (trái) và sau xử lý (dưới, phải). (Ảnh của nhóm nghiên cứu) |
Kỹ sư Trương Công Nam và cộng sự đã nghiên cứu và nhận thấy có thể làm sạch bề mặt trong các ống này bằng máy phun áp lực cao. Khi đó, lòng ống được làm sạch hoàn toàn, để lộ rõ bề mặt sáng của gang và thép bên trong.
Để bảo vệ bề mặt ống sau khi làm sạch, nhóm dùng lực ly tâm ở tốc độ cao để tráng một lớp vữa xi vào lòng ống. Sau quá trình bảo dưỡng, các kỹ sư tiếp tục dùng bitum để sơn bảo vệ bề mặt ngoài các ống trước khi đưa vào sử dụng.
Sau cùng, nhóm nghiên cứu thiết kế măng sông nối ống, thiết kế mẫu roăng cao su để thay thế cho mối nối cứng.
Sáng kiến đã giúp nâng gấp đôi khả năng chịu áp của ống (từ 8 kg/cm3 lên 16 kg/m3), vừa nâng cao chất lượng nước cấp vừa chống thất thoát nước, thay vì như trước đây phải cắt bỏ để thi công các tuyến ống mới. Giải pháp cũng ngăn được nước bẩn ở bên ngoài xâm nhập vào ống qua các điểm rò rỉ.
Việc xử lý phục hồi ống cũ đã giúp công ty chủ động thi công thay thế trên 90 km ống cũ kém chất lượng, cải thiện rõ nét chất lượng nước cấp tại thành phố Huế và các vùng phụ cận. Tỷ lệ thất thoát nước từ 26% vào năm 2000 xuống dưới 20% như mức hiện nay.
Tính chung, giải pháp giúp tiết kiệm gần 12,25 tỷ đồng từ việc thay thế các tuyến ống cũ, kém chất lượng; làm lợi khoảng 8,8 tỷ đồng do hạ thấp được tỷ lệ thất thoát thu nước hằng năm so với năm 2001; nâng cao áp lực của đường ống, giảm tối đa số lần sự cố đường ống; tận dụng được các ống cũ, kém chất lượng.
Theo ông Nam, giải pháp kỹ thuật này có thể áp dụng cho tất cả các công ty cấp nước trên toàn quốc, nhất là các công ty có hệ thống đường cấp nước cũ. Công trình đoạt giải Nhì hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc 2005.
Thuận An