Sao băng khiến trời đêm sáng như ban ngày ở thành phố Nga

  •   43
  • 3.606

Một ngôi sao băng rực rỡ phát nổ trên bầu trời làm cả thành phố Nga sáng rực như ban ngày trong nháy mắt.

Bầu trời đêm sáng lóa như ban ngày sau khi chớp sáng lóe lên.
Bầu trời đêm sáng lóa như ban ngày sau khi chớp sáng lóe lên.

Nhiều cư dân ở vùng núi Urals, Nga, báo cáo trông thấy một quả cầu lửa rực rõ thắp sáng bầu trời đêm trước khi phát ra tiếng nổ lớn. Sao băng tỏa ra ánh sáng màu đỏ, vàng, cam khi rơi trên bầu trời, theo RT. Vật thể sáng chói có thể quan sát rõ từ thành phố Ekaterinburg ở tỉnh Sverdlovsk cũng như các thị trấn gần đó vào tối hôm qua.

Một số video đang được chia sẻ trên mạng xã hội ghi lại khoảnh khắc bầu trời đêm sáng lóa như ban ngày sau khi chớp sáng lóe lên. "Tôi nghĩ đó là một ngôi sao nhưng không phải! Khi rơi, nó rực sáng màu đỏ và vàng, và phía sau nó có một vệt đuôi nhỏ chói lọi chuyển từ màu hoa tử đinh hương sang màu đỏ, vàng và cam", nhân chứng tên Aleksandr Bortstev miêu tả hiện tượng. Theo Bortstev, chớp sáng kéo dài khoảng 6 - 7 giây.

Người dân trong khu vực không xa lạ với hiện tượng sao băng rơi. Đây là lần sao băng phát nổ thứ hai trong tuần mà cư dân địa phương chứng kiến. Hôm 3/3, một ngôi sao băng màu xanh dương và trắng lao qua bầu trời đêm ở Sverdlovsk và tỉnh Chelyabinsk ở lân cận. Một trong các nhân chứng mô tả tốc độ bay của sao băng "nhanh kinh khủng".

Sao băng là gì?

Sao băng là đường nhìn thấy của các thiên thạch và vẫn thạch khi chúng đi vào khí quyển Trái Đất (hoặc của các thiên thể khác có bầu khí quyển).

Trên Trái Đất, việc nhìn thấy đường chuyển động của các thiên thạch này là do nhiệt phát sinh ra bởi áp suất nén khi chúng đi vào khí quyển. (Lưu ý là rất nhiều người cho rằng đó là do ma sát, tuy nhiên ma sát ở các tầng cao của khí quyển là không đủ lớn để có thể làm nóng thiên thạch đến mức phát sáng, do mật độ không khí ở đây rất loãng).

Khi thiên thạch chuyển động với vận tốc siêu thanh, nó sinh ra các sóng xung kích do nó "va chạm" với các "hạt" của khí quyển và nén chúng nhanh hơn so với chúng có thể dãn ra khỏi đường chuyển động của thiên thạch. Với vận tốc cao như vậy, các phân tử không khí trên đường đi của thiên thạch bị nung nóng bởi sóng xung kích, hoặc bị nén quá mạnh đến mức nhiệt độ của sóng xung kích tăng lên đến hàng ngàn độ và làm cho các thành phần vật chất của thiên thạch bị nung đến nóng sáng.

Những sao băng sáng, thậm chí sáng hơn cả độ sáng biểu kiến của Kim Tinh, đôi khi được gọi là quả cầu lửa.

Cập nhật: 08/03/2019 Theo VNE
  • 43
  • 3.606