Sao chổi nặng 500.000 tỷ tấn lao về phía Trái đất

  •  
  • 5.616

Kính viễn vọng Hubble chụp ảnh sao chổi lớn nhất từng được ghi nhận, giúp các nhà thiên văn học tính toán kích thước khổng lồ của nó.

Nhân của ngôi sao chổi, cấu trúc bằng băng không bao gồm phần đuôi, có đường kính 129km và nặng khoảng 500.000 tỷ tấn. Sao chổi lạnh này có tên C/2014 UN271 hay Bernardinelli-Bernstein. Vật thể được phát hiện vào năm 2010 bởi hai nhà thiên văn học Pedro Bernardinelli và Gary Bernstein. Tuy nhiên, mãi tới gần đây, các nhà nghiên cứu mới có thể xác định kích thước của nó. Nguyên nhân một phần do sao chổi cách Trái đất khoảng 3,2 tỷ km, xa hơn sao Thiên Vương, một phần do nó bị bao phủ bởi lớp vỏ khí và bụi tạo thành vệt đuôi đặc trưng.

C/2014 UN271 là sao chổi có nhân lớn nhất từng được phát hiện.
C/2014 UN271 là sao chổi có nhân lớn nhất từng được phát hiện. (Ảnh: NASA)

Bằng cách kết hợp mô hình máy tính với quan sát của kính viễn vọng không gian Hubble, một nhóm nhà thiên văn học đứng đầu là Man-To Hui ở Đại học Khoa học và Công nghệ Macau có thể tách riêng lõi của sao chổi khỏi lớp vỏ, hé lộ kích thước phần thân chính của nó. "Ngôi sao chổi rất lớn và đen hơn than", David Jewitt, đồng tác giả nghiên cứu công bố hôm 12/4 trên tạp chí The Astrophysical Letters, cho biết. "Chúng tôi luôn luôn cho rằng sao chổi này phải rất lớn bởi nó quá sáng ở khoảng cách xa như vậy. Giờ đây chúng tôi có thể xác nhận giả thuyết".

C/2014 UN271 đang chậm rãi bay về phía Mặt trời nhưng không gây nguy hiểm cho Trái đất. Trên thực tế, các nhà thiên văn học dự đoán nó sẽ không đến gần hành tinh của chúng ta hơn sao Thổ vào năm 2031. Một ngày nào đó, ngôi sao chổi sẽ bay xa khỏi Mặt trời và không bắt đầu hành trình trở về cho tới khi đạt khoảng nửa năm ánh sáng. Tổng cộng, C/2014 UN271 mất 3 triệu năm để hoàn thành quỹ đạo quanh Mặt trời.

Sao chổi là những vật thể lớn cấu tạo từ băng và bụi, quay quanh Mặt trời, nổi tiếng với vệt đuôi dài. Đôi khi, vệt đuôi của chúng có thể nhìn rõ từ Trái đất. Đặc biệt, các sao chổi ở xa thu hút nhiều sự chú ý của giới thiên văn bởi chúng được xem như dấu tích nguyên thủy nhất về Hệ Mặt trời thuở sơ khai. Trong phần lớn thời gian tồn tại, chúng được bảo quản trong môi trường nhiệt độ thấp ở vành ngoài Hệ Mặt trời.

Dù ít bị ảnh hưởng bởi nhiệt lượng từ Mặt trời, một số sao chổi vẫn hoạt động thông qua giải phóng đám mây khí hoặc vật chất khác làm tăng độ sáng của chúng. Các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc lý do. Sao chổi như C/2014 UN271 đem đến cơ hội quan trọng để họ tìm hiểu nhiều hơn về những thiên thể băng xa xôi này.

Cập nhật: 13/04/2022 Theo VnExpress
  • 5.616