"Sao chổi Quỷ" lóe sáng lúc nhật thực toàn phần

  •  
  • 272

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết "sao chổi Quỷ" vừa có đợt phun trào bụi, khí và băng trong lần bay ngang Trái đất đầu tiên sau 71 năm, ngay thời điểm diễn ra nhật thực toàn phần ngày 8-4.

Đài ABC dẫn thông tin từ Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết một sao chổi to và thuộc loại hiếm với biệt danh “Quỷ dữ” vừa có đợt phun trào khi bay ngang Trái đất lần đầu tiên sau 71 năm.

"Sao chổi Quỷ" lấp lánh với hai màu trắng và xanh giữa vũ trụ
"Sao chổi Quỷ" lấp lánh với hai màu trắng và xanh giữa vũ trụ - (Ảnh: BUSINESS INSIDER).

Trước đó sao chổi này từng có một đợt phun trào tương tự vào năm 2023. Vụ phun trào khiến nó sáng lên gấp hàng trăm lần và được gắn biệt danh "sao chổi Quỷ" sau khi đám mây mù bao quanh nó tạo thành hình sừng.

Đặc biệt nhiều người có cơ hội chiêm ngưỡng “sao chổi Quỷ” ngay khi đang thưởng thức nhật thực toàn phần “trăm năm có một” hôm 8-4.

Các nhà thiên văn giải thích, khi bầu trời đột ngột tối sầm do không có ánh sáng Mặt trời ở thời điểm xảy ra nhật thực toàn phần, người dân có thể ngắm các ngôi sao, hành tinh và cả “sao chổi Quỷ”.

“Sao chổi Quỷ” có tên chính thức là sao chổi 12P/Pons-Brooks, thuộc loại sao chổi băng lạnh. 

NASA cho biết sao chổi này được hình thành từ bụi, khí, băng và đá từ chính sự ra đời của Hệ Mặt trời. Các nhà khoa học ước tính “sao chổi Quỷ” có đường kính tối thiểu là 17km.

Cũng theo NASA, “sao chổi Quỷ” sẽ đạt đến vị trí gần Mặt trời nhất và tỏa sáng rực rỡ vào ngày 21-4.

Sau đó nó sẽ tiếp cận gần Trái đất nhất vào ngày 2-6, cho phép những người yêu thích thiên văn có cơ hội được ngắm nó một cách cận cảnh hơn.

Trong khi sao chổi Halley có quỹ đạo 76 năm quay quanh Mặt trời, “sao chổi Quỷ” có chu kỳ quay ngắn hơn với 71 năm. Lần gần nhất con người được ngắm sao chổi này là vào năm 1954.

Cập nhật: 09/04/2024 Tuổi Trẻ
  • 272