Vì sao động vật biểu hiện khác thường khi nhật thực toàn phần?

  •  
  • 346

Hươu cao cổ phi nước đại, nhện gỡ mạng, khỉ đột chải chuốt, dế ríu rít… Nhiều động vật có những phản ứng lạ trong nhật thực toàn phần.

Biểu hiện lạ của các loài khi nhật thực


Vượn đuôi cáo được ghi nhận bỏ bữa sáng trong lần nhật thực toàn phần - (Ảnh: CNN).

Trong lần nhật thực toàn phần gần nhất xuất hiện ở Mỹ năm 2017, động vật tại nhiều vườn thú có rất nhiều hành động kỳ lạ khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên.

Chẳng hạn tại vườn thú Riverbanks ở Nam Carolina (Mỹ), hươu cao cổ tụ tập và phi nước đại, rùa Galápagos bắt đầu giao phối và khỉ đột thì chuẩn bị đi ngủ.

Tương tự ở vườn thú Nashville, Tennessee (Mỹ), những người bảo vệ vườn ghi lại cảnh hươu cao cổ phi nước đại trong những khoảnh khắc bầu trời tối sầm vào giữa ban ngày...

Tiến sĩ sinh học Adam Hartstone-Rose tại Đại học bang North Carolina đã thực hiện nhiều nghiên cứu về các biểu hiện bất thường của động vật trong lần nhật thực toàn phần này. Kết quả nghiên cứu vừa được chia sẻ với giới truyền thông trước khi diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần vào ngày 8-4.

"Hươu cao cổ là loài tinh tế, chúng không chạy nhiều. Khi chúng chạy, đó là vì chúng đang trốn kẻ săn mồi hoặc thứ gì đó nguy hiểm", tiến sĩ Adam Hartstone-Rose nói.

Ông và các đồng nghiệp đã tìm hiểu 17 loài trong sự kiện nhật thực toàn phần năm 2017, và nhận thấy khoảng 75% động vật sở thú có phản ứng "lạ" trong thời gian nhật thực.

Phần lớn chúng có các hoạt động giống như đang trong buổi tối hoặc hành vi báo hiệu sự lo lắng.

Nhóm nghiên cứu đưa ra 2 lý giải:

  • Thứ nhất, các loài động vật phản ứng tương ứng theo độ mờ của ánh sáng tự nhiên và độ giảm nhiệt khi Mặt trời "biến mất" trong nhật thực toàn phần.
  • Thứ hai, chúng phản ứng trước sự phấn khích và náo động của con người khi nhật thực toàn phần xảy ra. Khi bị nhốt trong vườn thú, việc tất cả người xung quanh bỗng nhiên reo hò một cách bất thường có thể làm chúng hốt hoảng.

Trong khi đó tiến sĩ Bryan Pijanowski, hiện là giám đốc Trung tâm âm thanh toàn cầu tại Đại học Purdue (Indiana), nói những tác động của Mặt trăng với ánh sáng ban ngày khi nhật thực toàn phần xảy ra có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của động vật. 

Đồng hồ sinh học 24 giờ bên trong cơ thể cho các động vật biết cách phản ứng với lượng ánh sáng tương ứng mà chúng nhận được. Khi thấy ánh sáng mờ đi trong nhật thực toàn phần, nhiều loài lầm tưởng là ban đêm đã đến nên chuẩn bị đi nghỉ.

Đó là lý do khỉ đột trong các vườn thú thì thầm rủ nhau đi ngủ, còn rùa Galápagos bắt đầu giao phối… Tương tự với các loài côn trùng, dế kêu ríu rít, ong bay về tổ…

Một số loài động vật còn có biểu hiện hiếm gặp như khỉ đầu chó bị nuôi nhốt bỗng nhiên lấy tay chải chuốt kịch liệt, nhện gỡ mạng và một số loài lưỡng cư bỗng cất giọng kêu lạ thường.

Liệu có lặp lại trong lần nhật thực toàn phần sắp tới?


Một con tinh tinh được cho xem nhật thực toàn phần tại Belgrade, Serbia - (Ảnh: CNN)

Tiến sĩ Hartstone-Rose nói một thắc mắc của nhóm nghiên cứu là liệu động vật có lặp lại những hành động lạ thường trong lần nhật thực toàn phần ngày 8-4 sắp tới hay không.

Vì vậy, nhóm sẽ tiếp tục dự án, thu thập những hình ảnh, video về những biểu hiện bất thường của động vật trên đường nhật thực toàn phần đi qua.

Dự kiến nhiều nơi tại Bắc Mỹ bao gồm Mexico, Mỹ, Canada sẽ nhìn thấy nhật thực toàn phần lần này, mỗi nơi trong 3 hoặc 4 phút, vào ngày 8-4. 

Hartstone-Rose sẽ đưa nhóm nghiên cứu sau đại học đến các sở thú Texas để thu thập dữ liệu. Ông cũng kêu gọi cộng đồng thu thập dữ liệu cho dự án.

"Trong khi nhiều người sẽ nhìn lên bầu trời để xem Mặt trời biến mất thì chắc hẳn cũng có những người tò mò những biểu hiện của sinh vật xung quanh trong sự kiện hiếm gặp này", Hartstone-Rose nói.

Cập nhật: 26/03/2024 Tuổi Trẻ
  • 346