Sao Diêm Vương có tới 3 vệ tinh

  •   54
  • 1.651

Sao Diêm Vương là hành tinh xa nhất trong hệ mặt trời và cũng là hành tinh nhỏ nhất. Theo những quan sát mới đây của Cơ quan vũ trụ Mỹ, có tới 3 vệ tinh (chứ không phải là 1) đang xoay quanh hành tinh này.

Với việc sử dụng kính viễn vọng không gian Hubble để quan sát, hồi tháng 5 vừa qua, các nhà thiên văn học đã phát hiện thêm 2 vệ tinh quay quanh sao Diêm Vương. Nếu những khám phá này được Hiệp hội Thiên văn học quốc tế công nhận, hai vệ tinh sẽ được đặt tên theo các huyền thoại Hy Lạp và được gắn với vệ tinh Charon, vệ tinh được coi là duy nhất của Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1978. Tạm thời, hai vệ tinh mới khám phá có tên gọi là S/2005 P1 và S/2005 P2. Ánh sáng của chúng yếu hơn khoảng 5 nghìn lần so với sao Diêm Vương. Chính vì vậy mà trong một thời gian dài người ta không thể phát hiện ra chúng.

Hai vệ tinh này nằm cách sao Diêm Vương khoảng từ 44 - 53 nghìn kilômét nghĩa là xa hơn gấp 2 đến 3 lần so với vị trí của vệ tinh Charon.

So sánh về đường kính giữa các vệ tinh, các nhà khoa học thấy rằng đường kính của Charon khoảng 1.200 kilômét, trong khi đó đường kính của 2 vệ tinh mới chỉ là 32 kilômét và 70 kilômét. Sao Diêm Vương được phát hiện vào năm 1930, cách Mặt Trời khoảng 6,4 tỷ kilômét, ở tâm vành đai Kuiper. Đây là khu vực nằm trong hệ mặt trời, trải dài bên cạnh trên quỹ đạo của sao Hải Vương, ở khoảng cách 4,5 và 7,5 tỷ kilômét.

Khu vực này có hình dáng như một chiếc vòng, được cấu tạo từ hơn 35 nghìn vật thể có đường kính khoảng hơn 100 kilômét.

Theo 24h
  • 54
  • 1.651