Hành tinh đỏ sẽ tới vị trí gần địa cầu nhất vào cuối tháng 5 và cũng đạt độ sáng cao nhất khi trái đất lọt vào giữa Hỏa Tinh và Mặt Trời.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo vào ngày 22/5, sao Hỏa sẽ chỉ cách Trái đất 75,6 triệu km. Hành tinh đỏ sẽ tới điểm cao nhất (nơi nó đạt độ sáng lớn nhất) trên bầu trời vào giữa đêm, ở vị trí 35 độ so với đường chân trời phía nam.
Tới ngày 30/5, quỹ đạo của Hỏa Tinh sẽ khiến khoảng cách giữa nó và Trái đất giảm thêm khoảng 800.000 km nữa. Đây là cự ly ngắn nhất giữa hai hành tinh trong 11 năm qua.
Từ ngày 22/5 tới 3/6, sao Hỏa sẽ nằm ở vị trí đối diện Mặt Trời qua địa cầu. (Ảnh: NASA)
Vì vậy, từ tối 22/5, người dân trên khắp thế giới có thể thấy sao Hỏa sáng hơn mức bình thường từ lúc hoàng hôn tới buổi bình minh, Space đưa tin.
Độ sáng của nó sẽ lớn gấp 7 lần sao Thổ và khoảng 17 lần so với sao khổng lồ đỏ Antares - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Hạt và là thiên thể thứ 16 mà con người có thể quan sát từ Trái đất. Sao Hỏa vẫn tiếp tục hiện rõ trên bầu trời tới ngày 3/6.
Hiện tượng Trái đất lọt vào giữa sao Hỏa và Mặt Trời diễn ra theo chu kỳ 26 tháng. Tới năm 2018, sao Hỏa sẽ tiếp tục tới vị trí gần địa cầu nhất.
Khi sao Hỏa tới vị trí đối diện với Mặt Trời qua Trái đất, độ sáng của nó sẽ lớn gấp 80 lần so với lúc nó xa địa cầu nhất, theo trang EarthSky.
Vị trí của sao Hỏa, sao Thổ và sao Antares trên bầu trời đêm vào các tối 20, 21 và 22/5. (Đồ họa: EarthSky)
Do quỹ đạo của sao Hỏa ngày càng dẹt, hành tinh đỏ sẽ ngày càng tới gần Trái đất hơn vào những dịp tương tự trong tương lai. Nó cũng sẽ tới gần Mặt trời hơn theo thời gian, NASA khẳng định.
Một điều thú vị nữa là "trăng xanh" cũng xuất hiện trên bầu trời vào đêm ngày 21/5.
Thông thường trăng sẽ tròn 3 lần trong mỗi mùa xuân, hạ, thu, đông. Nếu trăng tròn 4 lần trong một mùa nào đó, người ta gọi lần trăng tròn thứ ba là "trăng xanh". Sự kiện "trăng xanh" gần nhất đã diễn ra vào tháng 8/2013.