Tổng số “vệ tinh thiên nhiên” quay quanh hành tinh khổng lồ này đã được nâng lên con số 66, các nhà thiên văn tiết lộ.
>>> Phát hiện dấu vết sự sống ngoài hành tinh
Có tên mã là S/2011 J1 và S/2011 J2, hai mặt trăng này được nhận dạng lần đầu trong bức hình do Kính viễn vọng Magellan - Baade của Đài quan sát Las Campanas (Chile) chụp được ngày 27/9/2011.
Hình ảnh mặt trăng Galilean cỡ lớn của sao Mộc được NASA chụp được.
Theo các chuyên gia, đây là hai trong số những mặt trăng nhỏ nhất từng được phát hiện ở Thái dương hệ, với mỗi mặt trăng chỉ có đường kính khoảng 1km.
Khác với bốn mặt trăng Galilean cỡ lớn của sao Mộc, mà từ Trái đất chúng ta cũng có thể quan sát được bằng cả kính viễn vọng nghiệp dư, hai mặt trăng mới rất mờ và nằm cách xa sao Mộc. Chúng phải mất lần lượt 580 và 726 ngày để hoàn tất chu kỳ quay của mình.
“Đây là một phần của họ vật thể quay ngược chiều xung quanh sao Mộc”, nhà thiên văn Scott Sheppard của Viện Khoa học Carnegie (Washington, Mỹ) chia sẻ trên Discovery News. “Chúng tôi tin rằng còn số mặt trăng sẽ chưa dừng ở đó”.
“Vật thể quay ngược chiều” là những mặt trăng có quỹ đạo quay ngược chiều với hướng quay của hành tinh chủ. Nếu tính cả hai mặt trăng mới, hiện sao Mộc đang quy tụ tới 52 mặt trăng quay ngược, tất cả đều tương đối bé nhỏ. Sheppard ước tính phải có khoảng 100 vệ tinh cỡ này trong họ.
Tuy vậy, đa số vệ tinh quay ngược đều là những mặt trăng không thường xuyên, bởi chúng cách xa sao Mộc và có quỹ đạo rất lệch tâm. Vì vậy, Sheppard suy đoán những mặt trăng này nhiều khả năng là các thiên thạch hoặc mảnh vỡ sao chổi bị lực hút của sao Mộc “giữ lại”.