Sau cừu Dolly, tại sao vẫn chưa nhân bản con người?

  •  
  • 1.631

Vào năm 1996, chú cừu Dolly gây xôn xao khắp thế giới sau khi trở thành động vật có vú đầu tiên được nhân bản thành công từ tế bào trưởng thành. Nhiều nhà bình luận cho rằng, điều này sẽ xúc tác cho một thời kỳ hoàng kim của quá trình nhân bản. Nhiều ý kiến phỏng đoán, nhân bản đầu tiên của con người chỉ còn cách vài năm nữa.

Một số cho rằng nhân bản người có thể đóng vai trò nào đó trong việc loại bỏ các bệnh di truyền, trong khi những người khác lại tin quá trình nhân bản cuối cùng có thể loại bỏ các dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học Pháp năm 1999 cho thấy, rằng nhân bản thực sự có thể làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh.

Tất cả những tuyên bố này đều là vô căn cứ, điều quan trọng nhất là phải bổ sung những trường hợp nhân bản người thành công làm bằng chứng kể từ sau cừu Dolly. Năm 2002, Brigitte Boisselier, một nhà hóa học người Pháp và là người ủng hộ sùng đạo Raëlism (một tôn giáo UFO dựa trên ý tưởng rằng người ngoài hành tinh tạo ra loài người) tuyên bố, cô và một nhóm các nhà khoa học đã chuyển giao thành công người nhân bản đầu tiên, đặt tên là Eve. Tuy nhiên, điều đáng nói là Boisselier không muốn - hoặc thực sự không thể - cung cấp bất kỳ bằng chứng nào cho điều này, và vì vậy nó được nhiều người cho là một trò lừa bịp.

Cừu Dolly. Cừu Dolly.

Câu hỏi đặt ra là tại sao gần 30 năm kể từ Dolly, con người vẫn chưa được nhân bản? Nó chủ yếu vì lý do đạo đức, có rào cản công nghệ, hay đơn giản là nó không đáng làm?

Viện Nghiên cứu Bộ gene Người Quốc gia (NHGRI) nói rằng nhân bản là một thuật ngữ rộng, vì nó có thể được sử dụng để mô tả một loạt các quy trình và phương pháp tiếp cận, nhưng nhìn chung là có mục đích tạo ra các bản sao giống hệt nhau về mặt di truyền của một thực thể sinh học.

Theo NHGRI, bất kỳ nỗ lực nhân bản người nào cũng sẽ sử dụng kỹ thuật "nhân bản sinh sản" - đó là một cách tiếp cận trong đó sử dụng tế bào soma trưởng thành, hầu hết có thể là tế bào da, sẽ được sử dụng. DNA chiết xuất từ tế bào này sẽ được đặt vào tế bào trứng của người hiến tặng, đã loại bỏ nhân chứa DNA của chính nó. Sau đó, trứng bắt đầu phát triển trong ống nghiệm trước khi được cấy vào tử cung một phụ nữ trưởng thành đẻ hình thành bào thai.

Tuy nhiên, trong khi các nhà khoa học đã nhân bản nhiều loài động vật có vú, bao gồm gia súc, dê, thỏ và mèo, thì con người lại không lọt vào danh sách này. Hank Greely, giáo sư luật và di truyền học tại Đại học Stanford, người chuyên về các vấn đề đạo đức, luật pháp và xã hội phát sinh từ những tiến bộ trong khoa học sinh học, nói rằng cho đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ lý do chính đáng nào để nhân bản một con người. Nhân bản con người là một hành động đặc biệt kịch tính và là một trong những chủ đề được tranh cãi nhiều khi nói về vấn đề đạo đức sinh học của Mỹ.

Các mối quan tâm đạo đức xung quanh việc nhân bản con người cũng rất đa dạng. Trong đó, các vấn đề tiềm ẩn bao gồm rủi ro về tâm lý, xã hội và sinh lý, nghĩa là nhân bản có thể dẫn đến khả năng rất cao là mất mạng sống, hay những lo ngại xung quanh việc nhân bản được những người ủng hộ thuyết ưu sinh sử dụng. Đó là chưa kể nhân bản có thể bị coi là vi phạm các nguyên tắc về phẩm giá, tự do và bình đẳng của con người.

 Cho đến hiện tại, không có bất kỳ lý do chính đáng nào để nhân bản một con người. Cho đến hiện tại, không có bất kỳ lý do chính đáng nào để nhân bản một con người.

Ngoài ra, việc nhân bản vô tính động vật có vú trong lịch sử đã dẫn đến tỷ lệ tử vong rất cao và những bất thường về phát triển ở các loài vô tính. Một vấn đề cốt lõi khác của việc nhân bản con người là thay vì tạo ra một bản sao của người gốc, nó sẽ tạo ra một cá nhân với những suy nghĩ và quan điểm của riêng họ. Tất cả chúng ta đều đã biết đến những người vô tính - đó là những cặp song sinh giống hệt nhau là những bản sao của nhau - vì thế chúng ta cũng biết rõ rằng những bản sao không phải là cùng một người. Một bản sao của con người sẽ chỉ có cấu tạo gene giống người đó, nhưng sẽ không chia sẻ những đặc điểm khác như tính cách, đạo đức hay khiếu hài hước: những thứ này sẽ là duy nhất cho từng người.

Con người không chỉ đơn giản là một sản phẩm của DNA, mà còn chịu tác động của nhiều nhân tố khác, mặc dù có thể tái tạo vật chất di truyền, nhưng không thể tái tạo chính xác môi trường sống, tạo ra một nền giáo dục giống hệt nhau, hoặc hai người có cùng trải nghiệm sống.

Nếu các nhà khoa học nhân bản một con người, liệu sẽ có lợi ích gì, về mặt khoa học hay có lợi theo những cách khác không? Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng không thể bỏ qua được những lo ngại về đạo đức. Tuy nhiên, nếu các cân nhắc về đạo đức bị loại bỏ hoàn toàn, thì một lợi ích lý thuyết sẽ là tạo ra những con người giống hệt nhau về mặt di truyền cho các mục đích nghiên cứu.

Greely cũng tuyên bố rằng, bất kể ý kiến cá nhân của mình, một số lợi ích tiềm năng liên quan đến việc nhân bản con người cũng có vẻ thừa thãi vì những phát triển khoa học ở khía cạnh khác. Ông nói rằng ý tưởng sử dụng phôi nhân bản cho các mục đích khác ngoài việc tạo ra trẻ sơ sinh, chẳng hạn như sản xuất tế bào gốc phôi người giống hệt tế bào của người hiến tặng, đã được thảo luận rộng rãi vào đầu những năm 2000, nhưng mạch nghiên cứu này đã trở nên không còn phù hợp, và sau đó đã không được mở rộng. Sau năm 2006, năm mà cái gọi là tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs) được phát hiện, đây là những tế bào "trưởng thành" đã được lập trình lại để giống với các tế bào trong quá trình phát triển ban đầu.

Shinya Yamanaka, một nhà nghiên cứu tế bào gốc Nhật Bản và từng đoạt giải Nobel 2012 , đã phát hiện ra nó khi tìm ra cách đưa các tế bào chuột trưởng thành trở lại trạng thái giống như phôi thai chỉ bằng 4 yếu tố di truyền. Một năm sau đó, Yamanaka, cùng với nhà sinh vật học nổi tiếng người Mỹ James Thompson, đã tìm cách làm điều tương tự với tế bào người.

 Một sơ đồ cho thấy tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs)
Một sơ đồ cho thấy tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPSCs) và tiềm năng của chúng đối với y học tái tạo

Do đó, thay vì sử dụng phôi, chúng  ta có thể thực hiện hiệu quả điều tương tự với các tế bào da. Sự phát triển này trong công nghệ iPSC về cơ bản đã làm cho khái niệm sử dụng phôi nhân bản vô tính vừa không cần thiết vừa thấp kém về mặt khoa học.

Hiện nay, iPSCs có thể được sử dụng để nghiên cứu mô hình bệnh tật, khám phá thuốc chữa bệnh và y học tái tạo. Greely cũng gợi ý rằng nhân bản con người có thể không còn là một lĩnh vực nghiên cứu khoa học hấp dẫn nữa, điều này có thể giải thích tại sao nó lại có rất ít sự phát triển trong những năm gần đây. Ông chỉ ra rằng việc chỉnh sửa bộ gene sơ khai (gene mầm) của con người hiện là một chủ đề thú vị hơn đối với nhiều người, chẳng hạn như họ tò mò về khái niệm tạo ra "siêu trẻ sơ sinh". Sửa gene mầm, hay kỹ thuật dòng mầm chỉ một loạt các quá trình, tạo ra những thay đổi vĩnh viễn đối với bộ gene của một cá nhân. Nếu chúng ta biết thực hiện những thay đổi này một cách hiệu quả để trở thành di truyền, nghĩa là chúng sẽ được lưu truyền từ cha mẹ sang con cái.

Tuy nhiên, việc chỉnh sửa như vậy vẫn chưa được hiểu đầy đủ và đang gây tranh cãi. Chẳng hạn như Ủy ban Đạo đức Sinh học của Hội đồng Châu Âu tuyên bố rằng đạo đức và quyền con người phải hướng dẫn mọi hoạt động sử dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gene ở người, và việc áp dụng công nghệ chỉnh sửa bộ gene để phôi thai người làm nảy sinh nhiều vấn đề về đạo đức, xã hội và tính an toàn, đặc biệt là từ bất kỳ sự sửa đổi nào trong bộ gene người có thể được truyền lại cho các thế hệ tương lai.

Bên cạnh đó cũng có nhiều sự ủng hộ mạnh mẽ cho các công nghệ kỹ thuật và chỉnh sửa như vậy nhằm cung cấp những kiến thức đầy đủ hơn về nguyên nhân của các bệnh và cách điều trị trong tương lai, tiềm năng đáng kể cho nghiên cứu trong lĩnh vực này và cải thiện sức khỏe của con người. George Church, một nhà di truyền học và kỹ sư phân tử tại Đại học Harvard là một trong những người ủng hộ, ông nói rằng lĩnh vực này có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm của giới khoa học hơn trong tương lai, đặc biệt là khi so sánh với nhân bản thông thường.

Chỉnh sửa gene mầm dựa trên nhân bản thường chính xác hơn, có thể liên quan đến nhiều gene hơn và phân phối hiệu quả hơn đến tất cả các tế bào so với chỉnh sửa bộ gene soma. Tuy nhiên, ông vẫn lưu ý rằng cần phải thận trọng và thừa nhận rằng việc chỉnh sửa như vậy vẫn chưa được thành thạo. Những hạn chế tiềm năng cần giải quyết bao gồm an toàn, hiệu quả và cả sự công bằng cho tất cả chúng ta.

Cập nhật: 04/11/2024 VNReview
  • 1.631