Kính viễn vọng không gian James Webb đã tới đích đến cuối cùng sau gần một tháng kể từ khi được phóng vào vũ trụ.
Kính viễn vọng không gian James Webb được phóng vào vũ trụ từ Guiana, Pháp, vào ngày 25/12/2021. Đến hôm 24/1, James Webb đã đi vào quỹ đạo có tên L2 - điểm đến cuối cùng của nó.
Điểm quan sát của kính viễn vọng này cách Trái đất gần một triệu dặm (tương đương với 1,6 triệu km) - khoảng cách xa hơn cả mặt trăng. Nhờ vậy, James Webb có thể giúp con người nghiên cứu vũ trụ theo những cách mới và quan sát bên trong bầu khí quyển của các hành tinh khác.
Kính viễn vọng không gian James Webb được phóng vào vũ trụ từ Guiana, Pháp, vào ngày 25/12/2021.
Trưởng quản lý NASA Bill Nelson đã chúc mừng nhóm điều khiển James Webb: “Họ đã đảm bảo Webb đến L2 an toàn. Nhờ vậy, chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa để khám phá những bí ẩn của vũ trụ”.
Trong khi kính viễn vọng không gian Hubble quay quanh Trái đất thì kính James Webb sẽ quay quanh mặt trời. Quỹ đạo của James Webb sẽ giữ cho kính ở vị trí thẳng hàng với Trái đất. Vị trí này bảo vệ kính thiên văn khỏi nguồn nhiệt tỏa ra từ mặt trời, Trái đất và cả mặt trăng.
Kính viễn vọng không gian bắt buộc phải luôn ở trạng thái mát vì chúng quan sát vũ trụ trong điều kiện ánh sáng hồng ngoại. Toàn bộ kính cùng tàu vũ trụ cần được che chắn khỏi các nguồn nhiệt sáng.
Quỹ đạo L2 là điểm dừng chân lý tưởng cho James Webb vì tại đây, lực hấp dẫn của mặt trời và Trái đất sẽ đảm bảo tàu vũ trụ không cần sử dụng nhiều lực đẩy để ở trên quỹ đạo. Đồng thời, vị trí này cũng cung cấp cho kính viễn vọng không gian một tầm nhìn không bị cản trở để quan sát vũ trụ.
Trong 5 tháng tới, tàu vũ trụ mang theo James Webb sẽ hiệu chỉnh tất cả thiết bị. Những hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng này dự kiến sẽ được gửi tới trái đất vào mùa hè năm nay.