Các nhà khoa học Ấn Độ vừa tạo được một bước đột phá quan trọng với việc bào chế thành công “siêu thuốc” có hiệu quả cao trong điều trị bệnh tim mạch và chống đột quỵ, có thể giúp cứu sống hàng triệu bệnh nhân trên thế giới.
|
Những bệnh nhân bị bệnh tim sẽ không còn phải quá lo lắng vì hiện nay Ấn Độ đã bào chế được “siêu thuốc” chữa bệnh này. |
Thông tin trên đã được nhà khoa học gốc Ấn Độ Salim Yusuf thuộc Đại học McMaster của Canada và Đại học Y Prem Pais (Ấn Độ) công bố tại cuộc họp báo ngày 30/3 ở thành phố Orlando (Mỹ).
Theo ông Yusuf, việc bào chế thành công "siêu thuốc", còn được gọi là "thuốc sáu trong một" có thể được xem như một cuộc cách mạng trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch, vì ngay cả người bình thường cũng có thể uống thuốc này để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Kết quả thử nghiệm với hơn 2.000 người Ấn Độ, độ tuổi từ 48 - 80, cũng cho thấy "siêu thuốc" có tác dụng làm giảm hiệu quả các triệu chứng của bệnh tim mạch như đau tim, đột quỵ.
Thông tin về "siêu thuốc" đã ngay lập tức được tạp chí y học có uy tín của thế giới đăng tải và nhận được sự đánh giá cao của cộng đồng khoa học quốc tế.
Nhà khoa học Christofer P Cannon thuộc Viện Nghiên cứu y học Harvad (Mỹ) cho biết mặc dù “siêu thuốc” được bào chế đơn giản bằng cách kết hợp một số loại thuốc sẵn có và rẻ tiền nhưng có thể mang lại hiệu quả to lớn là giảm tới 80% nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Các nhà khoa học tin tưởng sự ra đời của "siêu thuốc" sẽ tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe toàn cầu, ở cả những nước phát triển và đang phát triển.
Dự kiến, “siêu thuốc” sẽ có mặt trên thị trường trong vài tuần tới./.