Sinh vật khó nắm bắt nhất trong tự nhiên bất ngờ lọt vào ống kính máy quay

  •  
  • 1.082

Các nhà thám hiểm từ tổ chức khoa học CSIRO lần đầu tiên quan sát thấy loài mực tay dài bí ẩn ở vùng biển Australia.


Mực tay dài xuất hiện ở vùng biển phía nam Australia. (Video: CSIRO).

Mực tay dài (Magnapinna) là một trong những sinh vật khó nắm bắt nhất trong tự nhiên. Chúng sinh sống dưới đại dương sâu thẳm và đến nay, mới chỉ có một chục cá thể được xác nhận trên toàn thế giới.

Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí PLOS One vào hôm qua, các nhà thám hiểm từ tổ chức khoa học CSIRO cho biết đã may mắn bắt gặp sinh vật biển sâu bí ẩn này "không chỉ một mà tới tận năm lần" ở vùng biển Great Australian Bight ở phía nam Australia.

"Dựa vào chiều dài và tỷ lệ cơ thể, chúng tôi có thể xác nhận chúng là 5 con mực tay dài khác nhau. Thật bất thường khi thấy nhiều cá thể ở gần nhau như vậy", trưởng nhóm nghiên cứu Deborah Osterhage từ CSIRO nhấn mạnh.

Hai trong số các phát hiện chỉ nằm cách nhau 300m. Việc tìm thấy 5 con mực tay dài trong cùng một địa điểm gợi ý rằng chúng có thể là loài phân bố theo khu vực.

Mực tay dài sở hữu tên gọi như vậy là bởi chúng có những xúc tu "quá khổ" có thể dài tới 8m. Tuy nhiên, những mẫu vật xuất hiện ở Great Australian Bight nhỏ hơn đáng kể. Các nhà nghiên cứu đã đo được một con có chiều dài 1,8m, trong đó xúc tu chiếm tới 1,68m.

Magnapinna sinh sống ở độ sâu từ 1.000 đến 4.000m so với mặt biển, nơi có áp lực nước rất lớn và ánh sáng mặt trời không thể tiếp cận. Do đó, để thực hiện khám phá này, nhóm nghiên cứu đã cần đến sự hỗ trợ của tàu lặn biển sâu (ROV).

Cập nhật: 13/11/2020 Theo VnExpress
  • 1.082