Sinh vật phù du phát triển mạnh nhờ núi lửa

  •  
  • 1.162

Sinh vật phù du là nền tảng của chuỗi thức ăn biển, chúng cần ánh nắng mặt trời để thực hiện quá trình quang hợp cũng như các chất dinh dưỡng khác như nitrat, phosphat và sắt để nuôi sống bản thân. Chính vì vậy, ở những khu vực của đại dương, nơi mà nước biển ở nơi đó có ít sắt thì sinh vật phù du xuất hiện thưa thớt.

Bạn muốn gia tăng số lượng các sinh vật phù du trong lòng các đại dương nào thì hãy tạo ra một ngọn núi lửa.

Vào một ngày đẹp trời tháng 8 năm 2008, các nhà khoa học đã bất ngờ phát hiện ra mật độ phân bố dày đặc của các sinh vật phù du (gần 2 triệu km2) tập trung trong khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương giáp Canada và quần đảo Aleutian. Mọi chuyện bắt nguồn từ cuộc điều tra của các nhà khoa học về một đám mây tro bụi phát sinh từ một ngọn núi lửa đang ở quần đảo Aleutian vài ngày trước đó. Tro bụi (chứa hàng ngàn tấn sắt) rơi xuống khu vực đông bắc Thái Bình Dương hóa ra lại là nguồn thức ăn béo bở (với nồng độ sắt trong nước biển gấp 10 lần bình thường) cho các sinh vật phù du và chỉ trong vòng vài ngày nồng độ chất diệp lục trong nước đã tăng 150%.

Theo một nghiên cứu mới về hiện tượng này được đăng tải trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy lần đầu tiên bên ngoài phòng thí nghiệm các nhà khoa học có thể chứng kiến sinh vật phù du sinh sôi nẩy nở với tốc độ chóng mặt trong dung dịch nước biển và bụi núi lửa. Điều này càng thôi thúc các nhà khoa học nảy sinh ra ý tưởng rút bớt khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển bằng cách cố tình gieo vào lòng đại dương một cách có tính toán một lượng sắt thích hợp.

Tuy nhiên, theo Roberta Hamme, làm việc tại đại học Victoria ở Canada, phân tích sơ bộ của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng cố gắng để kích thích tăng trưởng sinh vật phù du bằng cách bổ sung chất sắt vào nước sẽ có tác động rất nhỏ bởi sự hấp thụ CO2 của nước biển là có giới hạn.

Paul Harrison, nhà khoa học đại dương của đại học British Columbia, Vancouver, ở Canada, người không tham gia vào nghiên cứu, phát biểu: "Cố ý bổ sung lượng sắt trên quy mô lớn để tạo ra tảo nhằm giảm sự gia tăng của khí CO2 trong bầu khí quyển có thể là một việc làm không hiệu quả".

--------------------------------------------------------------------------------------

Hồ Duy Bình
Địa chỉ:  Trung tâm Thông tin Thư viện – Đại học Tiền Giang- số 119, ấp Bắc, phường 5,TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Email: [email protected]

Theo Sciencemag
  • 1.162