Sởn gai ốc vì phát hiện hàng trăm "con nhện đen" trên sao Hỏa

Phát hiện hàng trăm con "nhện đen" ở "Thành phố Inca" bí ẩn trên sao Hỏa
  •  
  • 1.259

Ảnh chụp mới của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ở vùng cực nam sao Hỏa cho thấy những đốm đen giống như một đàn nhện khổng lồ đang bò trên bề mặt hành tinh đỏ.

Theo tạp chí Newsweek ngày 25-4, những "con nhện" được tàu quỹ đạo ExoMars Trace Gas Orbiter và tàu Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chụp gần một khu vực có biệt danh "Thành phố Inca" ở cực nam sao Hỏa mới đây, và những bức ảnh này đủ để khiến bất kỳ ai mắc hội chứng sợ nhện sởn gai ốc.

 Hình ảnh gây liên tưởng đến hàng trăm con nhện đen trên sao Hỏa
Hình ảnh gây liên tưởng đến hàng trăm con nhện đen được chụp bởi tàu ExoMars Trace Gas Orbiter trên sao Hỏa - (Ảnh: ESA)

Tuy nhiên, đây không phải là nhện thật. Chúng là những đốm đen hình thành trên bề mặt sao Hỏa do khí bùng nổ xuyên qua lớp băng carbon dioxide (CO2).

Theo trang tin khoa học Popular Science, sao Hỏa có bốn mùa rõ rệt, tương tự Trái đất. ESA giải thích những đốm đen nhìn giống con nhện xuất hiện vào mùa xuân trên sao Hỏa khi ánh sáng mặt trời chiếu lên các lớp carbon dioxide - những lớp đã lắng đọng trong mùa đông tối tăm trên sao Hỏa.

Ánh sáng mặt trời làm băng carbon dioxide ở lớp dưới cùng biến thành khí. Khí tích tụ và sau đó phá vỡ các phiến băng phủ quanh các cực của sao Hỏa. Vật chất tối màu sẽ bị kéo theo lên bề mặt khi khí di chuyển và làm vỡ các lớp băng dày tới 1m.

Khí đầy bụi đen này bắn lên, tỏa ra qua các vết nứt trên băng như đài phun nước hoặc mạch nước phun, sau đó lắng xuống thành những điểm tối.

Trang tin khoa học Live Science mô tả những điểm đen trông giống những con nhện đen đang rúc vào nhau, với những chiếc chân xung quanh.

Nhìn từ không gian, các đốm đen này trông nhỏ bé, nhưng thực sự chúng khá lớn. ESA cho biết chúng rộng khoảng 45m, lớn nhất có thể rộng tới 1km.

Cập nhật: 29/04/2024 Tuổi Trẻ
  • 1.259