Không nên dịch chuyển nạn nhân nếu không cần thiết để tránh tổn hại thêm cho cổ và cột sống, gọi cấp cứu 115.
Bác sĩ Nguyễn Văn Trung, Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM cho biết, khoảng 70% người bị tai nạn giao thông bị chấn thương cổ và cột sống. Nếu không được sơ cấp cứu tại chỗ đúng cách, nạn nhân có thể nguy kịch và ảnh hưởng đến khả năng sinh tồn.
Bác sĩ Trung hướng dẫn các bước sơ cấp cứu cho nạn nhân chấn thương cổ và cột sống như sau:
Nhân viên y tế Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM đang sơ cứu một nạn nhân bị tai nạn giao thông. (Ảnh: Hoài Nhơn).
Bác sĩ Trung khuyến cáo, trong quá trình sơ cứu phải giữ người nạn nhân theo một trục thẳng, tốt nhất không nên dịch chuyển. Trường hợp dịch chuyển nạn nhân phải có ít nhất 6 người hỗ trợ: Một người giữ phần đầu, 4 người giữ hai bên lưng và một người giữ chân. Tất cả phải đồng loạt cùng một lúc giữ cho cột sống, đầu cổ, chân nạn nhân theo một trục thẳng rồi mới có thể dịch chuyển. Như vậy mới tránh được những chấn thương đáng tiếc cho nạn nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thắng Nhật Tuệ, điều hành Trung tâm cấp cứu 115 TP HCM cho biết: "Nhiều người vì sốt ruột đã tự đưa nạn nhân vào viện cấp cứu bằng xe máy, vô tình khiến chấn thương cổ và cột sống thêm trầm trọng, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục, thậm chí bại liệt về sau".
Theo các bác sĩ, nếu sơ cấp cứu người bị chấn thương cổ và cột sống không đúng cách có thể gây đứt tủy cổ dẫn đến nạn nhân choáng tủy có thể chết ngay hoặc bị liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi không hồi phục. Đây là sai lầm dễ mắc phải của người cứu hộ thiếu kiến thức.