Số hành tinh của hệ Mặt trời sẽ tăng

  •  
  • 2.661
Số các hành tinh quay quanh mặt trời có thể tăng từ chín lên 12 và còn có thể tăng thêm nữa nếu các chuyên gia thông qua cách nhìn mới về hệ Mặt trời của chúng ta.

Hành tinh Pluto được nhà thiên văn Mỹ Clyde Tombaugh phát hiện năm 1930
Hành tinh Pluto được nhà thiên văn Mỹ Clyde Tombaugh phát hiện năm 1930 (Ảnh: BBC)
Một tài liệu được nhà thiên văn thông qua trong cuộc họp ở Pra-ha sẽ có thể làm các sách giáo khoa trong các trường phổ thông và đại học phải soạn lại.

Trong tài liệu có đề nghị ngoài tám hành tinh vốn đã xác định, còn ba hành tinh thuộc nhóm mới gọi là “các pluton” và tiểu hành tinh lớn nhất Ceres.

Sao Pluton – sao Diêm vương vẫn là một hành tinh, nhưng lại trở thành cơ sở cho một nhóm hành tinh pluton mới.

Kế hoạch này do Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) thảo ra với mục đích xét lại những tiêu chí dựa vào đó người ta xác định các hành tinh.

Hơn 2.500 nhà thiên văn sẽ họp tại cuộc họp Đại hội đồng của IAU ở Pra-ha sẽ bỏ phiếu cho kế hoạch này vào thứ Năm tới.

Kỷ nguyên mới

“Lần đầu tiên trong 75 năm qua, chúng ta có thể khám phá các hành tinh mới trong hệ Mặt trời. Đây là một triển vọng tuyệt vời,” ông Richard Binzel, một thành viên của IAU nói.

Vật thể 2003 UB313
Vật thể 2003 UB313 còn lớn hơn hành tinh Pluto (Ảnh: BBC)

Các chuyên gia còn chưa thống nhất việc hành tinh Pluto – hành tinh ở xa nhất và cũng là bé nhất so với tám hành tinh còn lại – liệu có được coi là hành tinh nữa không.

Vào đầu những năm 1990, các nhà thiên văn đã tìm ra vài vật thể có kích cỡ tương đương với Pluto trong khu vực ngoài của hệ Mặt trời gọi là Vành Kuiper.

Một số nhà thiên văn tin là Pluto thuộc về cư dân các “sao băng lùn”, chứ không phải là cái mà ta gọi là hành tinh.

Với đường kính có 2.360 kilomét, Pluto nhỏ hơn hẳn các hành tinh còn lại, nhưng vẫn được coi là lớn nhất trong Vành Kuiper cho mãi đến tận gần đây, giáo sư Mike Brown cùng các đồng nghiệp ở Viện Công nghệ California phát hiện ra vật thể 2003 UB313, với đường kính khoảng 3.000 kilomét, lớn hơn Pluto.

Nâng cấp sao

Nghị quyết dự thảo của IAU công nhận tám hành tinh “kinh điển” là sao Thủy, sao Kim, Trái đất, sao Hỏa, sao Thổ, sao Mộc, sao Thiên vương, sao Hải vương, và ba sao nhóm pluton là sao Diêm vương, sao Charon, UB313, và tiểu hành tinh Ceres.

Charon hiện đang được xem là một mặt trăng của Pluto, nhưng xét về kích cỡ thì vài chuyên gia coi nó là hành tinh song sinh.

Điều gây ngạc nhiên trong dự thảo là có cả Ceres, vì mọi người vẫn cho Ceres là một thiên thạch. Ceres là vật thể lớn nhất trong vành đai giữa sao Hỏa và sao Thổ, và có hình cầu giống như một hành tinh.

Thông qua dự thảo

Cơ sở đánh giá lại hệ thống hành tinh là một định nghĩa khoa học mới cho hành tinh trong đó tính đến cả vấn đề trọng lực.

Theo định nghĩa này, ngoài việc hành tinh phải quay quanh một ngôi sao chứ không phải là một ngôi sao, nó còn phải có đủ chất khối và trọng lực để tự tạo dáng thành một hình cầu.

Giáo sư Gingerich nói với BBC News rằng ông tin tưởng nghị quyết này sẽ được thông qua.

Theo đà này, thêm nhiều vật thể ở xa như Sedna, Orcus, Quaoar và 2003 EL61, và các thiên thạch Vesta, Pallas và Hygiea đang nằm trong “danh sách quan sát” của IAU, có thể được coi là hành tinh nếu các nhà thiên văn nắm được các thông tin về kích thước và quỹ đạo của chúng.

IAU có trách nhiệm đặt tên các hành tinh và mặt trăng từ năm 1919.

Đề nghị mới về Hệ Mặt trời

Theo BBC
  • 2.661