Sóng nhiệt làm ấm cả nước dưới đáy đại dương

  •  
  • 209

Một nghiên cứu mới cho thấy sóng nhiệt đang xảy ra dưới đáy các đại dương và để lại những tàn phá nặng nề.

Hiện nay, một cơn sóng nhiệt đang thấm vào vùng nước sâu hơn ở các đại dương. Nhóm nghiên cứu đã công bố phát hiện trên tạp chí Nature Communications số tháng 3.

Sóng nhiệt dưới đại dương tồn tại lâu hơn sóng nhiệt trên bề mặt Trái đất
Sóng nhiệt dưới đại dương tồn tại lâu hơn sóng nhiệt trên bề mặt Trái đất, vì vậy hậu quả cũng thảm khốc hơn - (Ảnh: NASA).

“Đây là một hiện tượng toàn cầu. Chúng tôi đang chứng kiến các đợt nước nóng dưới đáy biển xảy ra xung quanh Úc và ở những nơi như biển Địa Trung Hải và Tasmania. Hiện tượng này không chỉ có ở Bắc Mỹ", tác giả nghiên cứu chính Dillon Amaya nói với trang Live Science.

Ông là một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Khoa học vật lý của Cục Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA).

Đại dương đã hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa từ sự nóng lên toàn cầu. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ thêm khoảng 1⁰C ở đại dương trong 100 năm qua, theo NASA.

Các nhà nghiên cứu còn phát hiện dọc theo thềm lục địa gần Bắc Mỹ, các đợt nước nóng ở đáy đại dương kéo dài hơn so với các đợt sóng nhiệt tương tự trên bề mặt.

Họ cũng phát hiện những dao động nhiệt độ này có thể xảy ra đồng thời ở cả bề mặt và đáy biển ở cùng một vị trí, và phổ biến nhất ở những vùng nước nông.

Từ lâu, người ta biết rằng nhiệt độ nước dưới đáy đại dương tăng đột biến có thể tàn phá nặng nề hệ sinh thái biển. 

Nơi đây thường là nơi sinh sống của tôm hùm, sò điệp, cá bơn, cá tuyết và các sinh vật được đánh bắt thương mại khác.

Mặt khác, nhiệt độ đáy biển ấm lên có liên quan đến sự gia tăng quần thể cá mao tiên - một loài cá xâm lấn có gai độc và hiện tượng tẩy trắng san hô.

Từ năm 2013 đến năm 2016, vùng nước bề mặt của Thái Bình Dương dọc theo bờ biển Bắc Mỹ nóng lên, dẫn đến cái chết của 1 triệu con chim biển, vì nguồn thức ăn chính của chúng là cá đã bị cạn kiệt do sóng nhiệt.

Cập nhật: 01/04/2023 Tuổi Trẻ
  • 209