Trong một nghiên cứu tại Khánh Hoà, chuyên gia y tế lo ngại việc xây dựng hệ thống cấp nước có thể góp phần lan truyền sốt xuất huyết, sau khi phát hiện các bể chứa nước 2000 lít là nơi sản sinh 92% ổ lăng quăng.
Những cảnh báo trên đã được đưa ra trong hội nghị đánh giá ba năm thực hiện dự án "Giảm nguy cơ sốt xuất huyết tại thực địa dự án cấp nước sạch nông thôn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (2005 - 2010)", tổ chức tại TP.HCM ngày 31/7.
Dự án được triển khai tại 6 xã thuộc 3 tỉnh Long An, Vĩnh Long, và Bến Tre nhằm giảm nguy cơ lan truyền bệnh sốt xuất tại cộng đồng.
Sau 2 năm 4 tháng triển khai, mật độ muỗi giảm trung bình 82% so với trước kia. Chỉ số mật độ lăng quăng cũng giảm trung bình 80%. Quan trọng hơn, quần thể vectơ truyền bệnh giảm đặc biệt trong năm thứ ba.
|
Hệ thống bể cấp nước có thể là tác nhân làm lan truyền sốt xuất huyết. Ảnh minh họa: H.Cát |
Trước đó, từ tháng 9/2001 - 9/2007 dự án
"Cung cấp nước sạch nông thôn các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long" do AusAID tài trợ đã được triển khai tại 5 tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Bạc Liêu, và Kiên Giang. Theo đó, đã xây 51 công trình cấp nước bằng đường ống, 21.000 lu hồ chứa nước mưa cho các hộ gia đình, 118 khu vệ sinh trường học và 232 giếng khoan cho hộ gia đình.
Theo ThS. BS. Lương Chấn Quang, chuyên gia phụ trách phòng chống sốt xuất huyết, Khoa Y tế Công cộng - Viện Pasteur TP.HCM, hiện nay tại Long An phần lớn người dân chứa nước trong các vật dụng lớn, và loại bỏ thói quen dùng các lu khạp nhỏ. Đồng thời người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ như đậy kín, làm vệ sinh thường xuyên, thả mesocyclops...
Muỗi Aedes aegypti, loài truyền bệnh sốt xuất huyết, sinh sản trong các dụng cụ chứa nước do con người tạo ra: lu khạp, bể chứa nước, và giếng. Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization - WHO) cũng thừa nhận việc xây dựng hệ thống cấp nước góp phần làm lan truyền sốt xuất huyết và các bệnh do vectơ truyền bệnh có liên quan đến nước.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7/2008 có 27 địa phương ghi nhận với tổng số mắc/chết là 7.606/8. Tích lũy số ca mắc/chết trên cả nước từ đầu năm đến nay là 22.918/24. so với cùng kỳ năm 2007, số mắc giảm 31%, số chết giảm 30%.
Sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng; các điểm nóng là Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Còn tại TP.HCM, các điểm nóng là ở các huyện ngoại thành và quận ven như Bình Chánh, Thủ Đức, Quận 8 và Quận 6.
Điều đáng lo ngại là tình hình sốt xuất huyết ở các tỉnh miền Đông như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước. Trong nhiều năm qua, sốt xuất huyết ít xuất hiện ở các tỉnh này nên người dân chưa được miễn dịch. Do đó, phòng chống không tốt, dịch sốt xuất huyết khó khống chế.