Status trên YM - khúc biến tấu của cảm xúc

  •  
  • 491

Có lẽ khi "phát kiến" ra dòng trạng thái hiển thị kèm mỗi nickname, nhà cung cấp dịch vụ Yahoo Messenger cũng không thể ngờ nó sẽ được thể hiện phong phú đến thế. Người ta tỏ tình, xin lỗi, kêu gọi, chúc tụng, quảng cáo... bằng status. Có ông sếp còn "treo biển" để nhắc nhở và than phiền nhân viên.

Nhiều doanh nghiệp thường không cho phép nhân viên sử dụng Yahoo Messenger trong giờ làm việc vì sợ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Nhưng đối với anh Phan Văn Phú, làm việc tại một doanh nghiệp công nghệ lớn ở Hà Nội, thì các cửa sổ chat chính là công cụ hữu hiệu trong trao đổi công việc với đồng nghiệp và đối tác. Bộ phận anh Phú quản lý có khoảng chục nhân viên đều "chat thành thần" và tất cả nick của họ được "đặc cách" trong một group (nhóm) riêng tại list của sếp Phú. Mỗi khi có nhân viên lơ là kỷ luật như đi làm muộn chẳng hạn, anh Phú lại "treo biển": Đi làm đúng gìờ là một thói quen khó xây dựng nhưng dễ từ bỏ. Hoặc khi mọi người trong bộ phận quên báo cáo công việc tuần, y như rằng status của sếp Phú sẽ là: Tuần này sẽ làm gì, hỡi các bạn của tôi?.

Có lần, một nhân viên trẻ của anh Phú không biết do gặp chuyện gì mà tinh thần mất tập trung, công việc bê trễ và status của anh chàng này để 24/24 là: Suy nghĩ. Cả tuần trôi qua mà thái độ của nhân viên lẫn dòng chữ kia chả có chút suy chuyển, anh Phú phải nhắc khéo bằng status: Không chỉ nghĩ, phải hành động...

Khổ nỗi, sếp Phan Văn Phú vốn thích "chơi" tiếng Anh nhưng nhân viên lại có người chả biết chữ nào môn ngoại ngữ phổ dụng ấy. Vì thế mà mỗi khi thấy sếp có status mới bằng ngoại ngữ, người này lại hì hục mở Lạc Việt ra tra mà trong bụng hồi hộp không biết cái dòng chữ kia có phải để nhắm vào mình không.

Chơi status như anh Phú là... có mục đích rõ ràng bởi mỗi "tuyên ngôn" của anh là một thông điệp vì mục đích nào đó. Nhưng có vô số cư dân mạng thì "nghiện" status đến mức không thể online mà lại không có câu gì "quẳng" lên dòng trạng thái. Vì thế mà nhiều khi không nghĩ ra cái gì hay thì có người gõ đại vài dòng vu vơ kiểu như: Status, Invisible... hoặc một loạt ký tự loằng ngoằng vô nghĩa. Người nào ưa sự lãng mạng, mơ mộng thì thường lấy mấy câu hay hay trong các bài hát "trưng" lên. Tuy nhiên, các dòng trạng thái này thường dễ gây hiểu nhầm là chủ nhân của nó dường như đang có... tâm trạng.

Một kiểu chúc mừng sinh nhật

Chị Nguyễn Thảo Hương, nhân viên văn phòng ở TP HCM, kể lại chị hay nghe nhạc Trịnh Công Sơn và rất thích những câu đại loại như: Đi về đâu hỡi em, khi trong lòng không chút nắng... hay Một người về đỉnh cao, một người về vực sâu để cuộc tình chìm mau... và muốn để lên status cho vui. Nhưng mỗi lần như vậy là thế nào bạn bè có nick của chị cũng gọi ời ời hỏi thăm có phải vợ chồng chị gặp... trục trặc gì?

"Vừa rồi cơn bão số 6 Xangsane đổ vào miền Trung. Mình đọc tin các báo nói nhiều về nó thấy tang thương quá nên buồn buồn gõ chữ 'Bão' lên status. Ai ngờ ông chồng của mình chả mấy khi online hôm đó cũng vào mạng đọc thấy và hỏi nửa đùa nửa thật 'Chuyện vợ chồng mình có bão tố gì đâu em?'", chị Hương chia sẻ.

Dù mang ý nghĩa là một dòng thông báo trạng thái của chủ nhân nick chat, status lắm khi cũng gây phiền lòng cho nhiều người khác mà đỉnh điểm của nhiều nỗi bức xúc là khi tiện ích này bị lợi dụng để phát tán hàng loạt virus "nội".

Còn có những status khiến người đọc lại thấy "vừa giận vừa thương". Chị Lê Thu Hằng, làm việc tại Hà Nội, có anh bạn làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, online suốt ngày nhưng chỉ để ở chế độ Invisible (vô hình). Nếu có khi nào cái nick của anh ta "sáng đèn" nghĩa là lúc ấy sẽ kèm theo dòng thông báo: Xin lỗi, tôi chạy ra ngoài có chút việc.

"Hồi mới có nick của anh bạn đó, nhiều lúc cần gặp mà không thấy Available - chế độ hiển thị nick nổi - thì tôi không dám gọi sợ làm phiền lúc anh ấy bận hoặc không có ở bên máy tính. Nhưng cứ nick hiện lên là kèm theo dòng chữ ấy, tôi thấy... bức xúc làm sao ấy", chị Hằng nói. "Nhưng lâu dần tôi quen rồi thì đôi khi lại cảm thấy buồn cười với cái kiểu đó của bạn mình".

Nhiều người cũng bày tỏ rằng chat mà không có status đôi khi kém phần thi vị. Anh Tuấn Anh, nhân viên một công ty quảng cáo ở Hà Nội, hài hước chia sẻ: "Hãy thử nghĩ xem, bạn đang buồn hay mệt mỏi vì việc gì đó và online. Bạn gặp vài cái status kiểu như: Khỏa thân ngồi điều hòa... Bạn sẽ thấy được giải trí phần nào".

Trong khi đó, biên dịch viên Phạm Phương Thanh (Hà Nội) thì đang nghĩ cách "kinh doanh" quảng bá website với status của mình. Nhiều ngày nay, Thanh treo biển: Nhận quảng cáo trên status: online 24/24, có nhiều bạn bè trong list, đảm bảo lượng truy cập tăng trong 1 tuần. "Để cho vui thôi, nhưng nếu có ai nhờ, tôi sẽ quảng bá thật", Thanh nói.

Nguyễn Hằng
Theo VnExpress
  • 491