Sự sống từng phát tán khắp hệ mặt trời

  •  
  • 5.279

Các nhà khoa học phát hiện tiểu hành tinh từng hủy diệt khủng long đã cấy sự sống lên sao Hỏa và các mặt trăng thuộc rìa ngoài hệ mặt trời.

Tiểu hành tinh giáng xuống trái đất cách nay 66 triệu năm có thể đã phóng ra mưa thiên thạch xuyên suốt hệ mặt trời, mang theo sự sống đến tận mặt trăng Europa của sao Mộc.

Theo báo cáo trên chuyên san Astrobiology, kết luận trên được rút ra sau khi các nhà nghiên cứu thuộc Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) tính toán số tảng đá được tung vào không gian sau sự kiện Chicxulub tại Mexico.

Sự sống từng phát tán khắp hệ mặt trời
Cuộc va chạm nảy lửa giữa tiểu hành tinh với trái đất đã tung sự sống vào hệ mặt trời - (Ảnh: NASA)

Gần 70 tỉ kg đá đã rải vào không gian, với khoảng 20.000kg đáp lên bề mặt Europa.

Các chuyên gia chỉ tính toán số tảng đá có đường kính từ 3m trở lên, vì đá nhỏ hơn không đủ sức bảo vệ các sinh vật trước bức xạ mặt trời.

“Bất cứ sứ mệnh tìm kiếm sự sống nào trên mặt trăng Titan hoặc các mặt trăng khác của sao Mộc cũng sẽ buộc phải cân nhắc liệu các sinh vật, nếu tồn tại, có nguồn gốc độc lập hoặc là một nhánh của trái đất”, theo trưởng nhóm Rachel Worth.

Trong khi nhiều tảng đá được tạo ra trong quá trình va chạm vẫn được giữ trên quỹ đạo trái đất, phần còn lại bị hút về phía sao trung tâm hoặc được tung khắp hệ mặt trời.

Theo ước tính của giới chuyên gia, khoảng 360.000 tảng đá đáp lên sao Hỏa, và chỉ 6 tảng đến được Europa.

Và cơ hội để sự sống tồn tại trong quá trình di chuyển này là 50%.

Tất nhiên, khả năng nảy mầm và sinh sôi khi tới được đích còn phụ thuộc vào môi trường trên các thiên thể.

Theo Thanh Niên
  • 5.279