Sự thật đáng kinh ngạc về hạt phóng xạ độc hại sau một vụ nổ bom hạt nhân

Sự thật gây sốc về bụi phóng xạ
  •  
  • 343

Bụi phóng xạ thậm chí có thể xâm nhập qua đường ăn uống, và để lại những tác động nghiêm trọng.

Bụi phóng xạ có thể tồn tại trong khí quyển nhiều năm

Vụ nổ thiết bị hạt nhân "Seminole" trên đảo san hô Enewetak ở Thái Bình Dương
Vụ nổ thiết bị hạt nhân "Seminole" trên đảo san hô Enewetak ở Thái Bình Dương vào ngày 6/6/1956. (Ảnh: CORBIS/Getty Images).

Những vụ nổ hạt nhân sinh ra bụi hạt nhân vô cùng nguy hiểm. Vật liệu hạt nhân còn lại bay vào không khí, nguội dần thành bụi và cuối cùng lại rơi xuống đất, đầu độc toàn bộ mọi thứ mà nó bay qua.

Phần lớn bụi phóng xạ từ các vụ nổ hạt nhân rơi xuống đất trong khoảng từ 1 ngày đến 1 tuần, Nhà vật lý học hạt nhân Zaijing Sun ở Trường đại học Nevada, Las Vegas, Mỹ, cho biết. Nhưng một số ít bụi phóng xạ bay cao vào khí quyển tới hơn 70 km và ở lại trong không trung nhiều năm trước khi rơi xuống đất.

Ngay cả đáy đại dương cũng nhiễm bụi phóng xạ

Tàu nghiên cứu đáy đại dương
Các nhà nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng của bụi phóng xạ trong tế bào cơ của sinh vật biển sống ở những vùng biển sâu nhất. (Ảnh: Mạng lưới tàu ngầm Alcatel).

Bụi phóng xạ khi bay đến tầng bình lưu có thể di chuyển rất xa theo gió và các hình thái thời tiết. Vì thế, nếu một quả bom hạt nhân nổ trên đất Mỹ thì bụi phóng xạ có thể bay đến tận Nga, châu Âu và Trung Quốc. Nó là một sự kiện toàn cầu chứ không chỉ trong phạm vi khu vực.

Điển hình là các nhà khoa học đã phát hiện ra bụi phóng xạ từ các vụ thử bom hạt nhân trên toàn cầu, từ Tunisia đến sông băng Bắc Cực và thậm chí cả ở những nơi sâu nhất dưới đáy biển, đã xâm nhập vào mô cơ của một số loài giáp xác sống trong các rãnh đại dương.

Dấu vết phóng xạ

Biển cảnh báo ở gần điểm thử bom ở Nevada.
Biển cảnh báo ở gần điểm thử bom ở Nevada. (Ảnh: Ted Soqui).

Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1970, chính phủ Mỹ đã cho tiến hành hơn 500 vụ nổ bom hạt nhân trên không trung. Bụi phóng xạ bay ra từ khu vực thử nghiệm ở Nevada cùng với nhiều điểm thử nghiệm khác khiến bầu khí quyển tràn ngập các đồng vị phóng xạ. Hậu quả là gần như tất cả mọi người dân sống ở Mỹ từ năm 1951 đều phơi nhiễm ít nhất vài vụ thử nghiệm đó. Đây là kết quả nghiên cứu của Viện Ung thư quốc gia và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh (Mỹ).

Tuy vậy, các nhà khoa học cho rằng nguy cơ tổn hại sức khỏe đối với hầu hết mọi người chỉ ở mức thấp. Một nghiên cứu cho biết bụi phóng xạ có thể đã gây ra 11.000 ca tử vong do ung thư.

Thực phẩm là nguồn chính yếu khiến con người nhiễm bụi phóng xạ

Đồng vị phóng xạ có thể len lỏi vào sữa bò.
Đồng vị phóng xạ có thể len lỏi vào sữa bò. (Ảnh: Getty Images).

Bụi phóng xạ rơi xuống da là một cách phơi nhiễm, nhưng một cách khác ít bị chú ý hơn là khi nó xâm nhập qua đường ăn uống. Ví dụ như bụi phóng xạ từ khu vực thử nghiệm Nevada đã khiến một số người ở Wyoming nhiễm stronti có trong sữa thực phẩm.

Stronti ở đây chính là đồng vị phóng xạ strontium-90. Những con bò sữa ăn cỏ nhiễm stronti tạo ra sữa nhiễm chất này và người uống sữa cũng bị nhiễm theo. Strontium-90 có thể gây ra các bệnh đường ruột. Vì có cấu tạo hóa học giống với canxi, nó có thể "đánh lừa" xương của bạn hấp thụ nó. Điều này có thể dẫn đến các bệnh ung thư xương, ung thư tủy xương và mô mềm quanh xương.

Bụi phóng xạ do bom nổ ít nguy hiểm hơn rò rỉ từ các nhà máy điện hạt nhân

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ ngày 26/4/1986, Ukraine.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl sau vụ nổ ngày 26/4/1986, Ukraine. (Ảnh: Getty Images).

Một lò phản ứng hạt nhân giải phóng nhiều đồng vị phóng xạ hơn trong quá trình nóng chảy so với một quả bom hạt nhân phát nổ. Ví dụ, thảm họa Chernobyl đã giải phóng bức xạ gấp 10 lần so với vụ ném bom xuống thành phố Hiroshima trong Chiến tranh Thế giới II.

Ngày nay, bức xạ ở Hiroshima đã trở về mức ngang bằng với bức xạ nền bình thường trên toàn thế giới, nhưng ở Chernobyl, một số nguyên tố có chu kỳ bán rã lâu hơn, chẳng hạn như Strotium-90 và Caesium-137, vẫn tồn tại ở mức cao.

Chỉ khoảng 15% năng lượng giải phóng từ bom nguyên tử là sinh ra từ bức xạ hạt nhân


Chỉ có 15% năng lượng của vũ khí hạt nhân sinh ra từ bức xạ hạt nhân. (Ảnh: internet).

Nhà vật lý học Sun ở Trường đại học Nevada nói rằng: "tôi nghĩ trong trí tưởng tượng của đa số mọi người thì họ rất quan tâm đến bụi phóng xạ, nhưng hãy nhớ rằng hầu hết năng lượng từ một quả bom nguyên tử là được giải phóng ngay lập tức".

Khoảng 35% năng lượng đó sinh ra từ bức xạ nhiệt, 50% là năng lượng nổ. Chỉ có 15% năng lượng của vũ khí hạt nhân sinh ra từ bức xạ hạt nhân, và một phần lớn trong 15% này sinh ra ngay trong phút đầu tiên của vụ nổ.

Nói như vậy không có nghĩa là bụi phóng xạ không nguy hiểm, nhưng thiệt hại lớn nhất cho đến nay chúng ta ước tính được là do chính sức công phá tức thì của vụ nổ.

Cập nhật: 24/05/2023 Dân Trí
  • 343