Sự thật đằng sau hồ nước xanh ngắt đẹp như tranh vẽ ở Pakistan

  •  
  • 1.421

Hồ nước sở hữu màu xanh tuyệt đẹp này, nằm giữa các đỉnh núi thuộc dãy Karakoram ở phía bắc Pakistan nhưng ít ai biết đến đã chứng tỏ nguồn gốc hình thành ghê sợ của nó.

Vào tháng 1/2010, trận động đất trong khu vực đã gây ra đợt lở đất ập xuống núi và chôn vùi ngôi làng Attabad, trong Thung lũng Hunza, vùng Gilgit Baltistan, cách Islamabad khoảng 760km.

Đá và đất cũng đổ vào khu vực thoát nước của sông Hunza và nhanh chóng lấp đầy một vùng, tạo ra hồ nước mới. Trận lở đất khiến khoảng sáu nghìn người phải di tản và làm hư hại, ngập nước hơn 20km đường cao tốc Karakoram quan trọng, là kết nối duy nhất đến vùng hẻo lánh khi đó.

Hồ Attabad

Đằng sau hồ nước màu xanh tuyệt đẹp là một sự kiện tang thương,
Đằng sau hồ nước màu xanh tuyệt đẹp là một sự kiện tang thương,

Cao tốc Karakoram khởi công xây dựng năm 1959 do Trung Quốc và Pakistan cùng làm và hoàn thành 20 năm sau đó, vào năm 1979.

Khoảng năm tháng sau thảm họa, hồ Attabad đã mở rộng dài đến 21 km, sâu hơn 100 m. Hồ chạy dọc theo thung lũng, hẹp như một con rắn lớn màu xanh lam, làm tăng thêm vẻ đẹp ngoạn mục của thung lũng Gilgit và Hunza.

Sắc xanh tuyệt đẹp của hồ như hòa cùng nền trời, tạo nên bức họa thiên nhiên tuyệt mỹ. Nằm nép mình giữa những dãy núi Karakoram hùng vĩ ở miền bắc Pakistan, hồ Attabad hiện là hồ lớn nhất ở vùng Gilgit-Baltistan này.

Hồ trở thành một điểm thu hút khách du lịch lớn. Khách sạn và nhà nghỉ mọc lên xung quanh hồ cùng với nhiều hoạt động giải trí khác nhau như chèo thuyền, mô tô nước và câu cá.

Nhưng đối với những người bị ảnh hưởng vì trận lở đất, thì hồ nước, khung cảnh không hoàn toàn đẹp như tranh vẽ.

Thảm họa Attabad đã nhấn chìm hoàn toàn bốn ngôi làng gồm: Ainabad, Shishkat, Gulmit và Gulkin. Vườn cây táo với nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, các di tích lịch sử, đền thờ đều bị chìm trong hồ nước.

Vào thời gian đó, lực lượng quân đội đã sơ tán người dân địa phương và tạm thời đưa họ đến một thung lũng khác. Đường cao tốc ngập nước, các phương tiện, hành khách và hàng hóa phải di chuyển bằng thuyền gỗ.

Năm năm sau, đường cao tốc Karakoram đã chuyển hướng dọc theo bờ hồ và cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Ngày nay, hồ Attabad thu hút du khách trên khắp thế giới, thoả sức chiêm ngưỡng tận mắt kỳ quan đặc biệt do thiên nhiên tạo ra. Pakistan có nhiều hồ nước đẹp như hồ Borith nằm ở độ cao 2.600 mét so với mực nước biển, hay hồ sông băng Passu giữa núi non trùng điệp… nhưng ít hồ nước mang cả vẻ đẹp thiên nhiên và cả sự tan hoang như hồ Attabad.

Cập nhật: 04/05/2021 Theo infonet
  • 1.421