"Tang tóc" cần hiểu theo nghĩa đen, vì văn hóa phương Tây sử dụng hoa cần tây trong các lễ tang.
Bạn có thích ăn rau cần tây (celery) không? Công bằng mà nói thì đây là một loại rau không quá ngon, nhưng rất bổ dưỡng với nhiều công dụng khác nhau.
Nhưng bạn có tin rằng chính loại cây bổ dưỡng và vô hại này lại có một lịch sử nhuốm màu tang tóc không?
Thực ra thì bạn nên hiểu từ "tang tóc" theo nghĩa đen. Bởi lẽ người xưa đã sử dụng hoa của cần tây để làm hoa tang.
Đây chính là hoa cần tây.
Trở về giai đoạn Hy Lạp cổ đại, khi ấy loài cây cần tây dại ở vùng Địa Trung Hải có phần thon mềm và đăng đắng so với loại được trồng ngày nay.
Màu thân thẫm, cùng với mùi hương hăng hắc của cần tây đã khiến người xưa cho rằng loài cây này có xuất phát từ một khái niệm gọi là "chthonic" - tạm dịch là "thuộc về lòng đất" trong tiếng Hy Lạp.
Tượng thần Hades và Persephone, trong đó Persephone được cho là đang cầm một nhánh cần tây.
Chính vì lý do này, cây hoa cần tây đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc mai táng của người Hy Lạp. Trước khi được chôn cất, bên trong quan tài của người chết lẫn mộ phần luôn được đặt những bó cần tây xung quanh để tỏ lòng thành kính, và họ sẽ được đội vòng hoa làm từ loài cây này.
Có rất nhiều giả thiết được đặt ra xung quanh phong tục này. Robert Garland, chuyên gia văn học Hy Lạp cho rằng đây là cách để "biểu hiện sự trang nghiêm và vẻ vang cho người đã khuất trong quá trình mai táng".
Cũng theo Garland, tài liệu của một số triết gia thời xưa có đề cập đến phong tục này. Như triết gia La Mã Pliny the Elder chỉ ra rằng cần tây ở thế kỷ thứ I chẳng bao giờ xuất hiện trên bàn ăn, vì nó chỉ được dùng cho tang lễ thôi.
Sự mật thiết giữa cần tây và cái chết cũng được đề cập trong từ vựng của người Hy Lạp. Cụm từ "deisthai selinon" hay "cần cây cần tây" có hàm ý rằng một người nào đó đang gần kề cái chết.
"Trong nhân sinh quan của người Hy Lạp, mối liên hệ giữa cây cần tây và cái chết rất mật thiết với nhau" - theo nhà văn học Hy lạp Corinne Ondine Pach.
Thế nhưng, ngoài ý nghĩa tang tóc ra, cần tây cũng còn bao hàm một ý nghĩa khác nữa được ghi trong một cuốn bách khoa toàn thư về thực vật, đó là sự chiến thắng.
Trong các thế vận hội lớn thời bấy giờ, người thắng cuộc được trao một chiếc vòng hoa cần tây, tượng trưng cho vinh quang của họ.
Ngoài ra, do một số sai sót trong việc biên dịch sử sách ghi lại, cần tây lẫn mùi tây (có cùng họ Apiacea) được người châu Âu về sau hiểu rằng cả hai loại cây này đều có tác dụng... đuổi ma quỷ nữa!