Trong đa số trường hợp, sữa mẹ sẽ được sản xuất dựa trên nhu cầu thực tế của bé. Bé càng bú thường xuyên và hiệu quả bao nhiêu thì cơ thể mẹ càng tạo ra nhiều sữa bấy nhiêu.
Cấu trúc vú bao gồm 3 mô chính: mô tuyến, mô mỡ và mô liên kết. Tuyến vú của các bà mẹ có thể to nhỏ khác nhau tùy thuộc thành phần mô mỡ và mô liên kết nhiều hay ít. Còn số lượng mô tuyến vú thì hầu như tương đương nhau.
Tính từ ngoài vào trong, vú gồm có 5 lớp: da, mỡ dưới da và tổ chức liên kết, dây chằng cooper treo vú, mô tuyến và mô sau tuyến. Mô tuyến được chia thành 15 – 20 thùy, sắp xếp theo hình nan hoa, tập trung về núm vú. Mỗi thùy gồm 38 – 80 tiểu thùy và mỗi tiểu thùy đều có nhiều nang sữa.
Giải phẫu tuyến vú với các thành tố cơ bản.
Sữa sẽ từ các tiểu thùy đổ vào các ống góp ở mỗi thùy (có đường kính khoảng 2mm) rồi đi tới các xoang chứa sữa dưới quầng vú (có đường kính 5 – 8mm). Có tất cả 5 – 10 ống dẫn sữa mở ra ở núm vú. Cũng do cấu tạo đặc biệt của tuyến vú nên tình trạng tắc tia sữa có thể xảy ra ở một hay nhiều nang sữa, một hay nhiều tiểu thùy và một hay nhiều thùy tuyến vú.
Khi mang thai, ngực của người mẹ bước vào giai đoạn sẵn sàng để sản xuất sữa. Sữa non được cơ thể mẹ sản xuất từ quý 2 của thai kỳ tới sau khi trẻ ra đời khoảng 2 – 4 ngày. Sữa non có đặc điểm là có màu vàng, đặc dính, rất giàu dinh dưỡng và các kháng thể. Sau khi bé ra đời, nhau thai đã bong, cơ thể mẹ bắt đầu sản xuất nhiều sữa hơn. Sau khoảng 5 – 14 ngày từ khi bé ra đời, cơ thể mẹ sản xuất sữa chuyển tiếp. Từ ngày thứ 14 trở đi, lượng sữa cơ thể mẹ tiết ra sẽ tiếp tục tăng, đổi màu trắng và loãng hơn, gọi là sữa trưởng thành.
Sự chuyển tiếp của quá trình sản xuất sữa non sang sữa trưởng thành.
Quá trình sản xuất sữa mẹ chịu sự tác động của 4 hormone là estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Cơ chế sản xuất sữa mẹ của cơ thể là tự điều chỉnh hàm lượng các hormone này để sinh sữa. Cụ thể là:
Hàm lượng các hormone sản xuất sữa được cơ thể tiết ra trong từng giai đoạn cụ thể.
Phản xạ xuống sữa hay tiết sữa là phản xạ có điều kiện, đẩy sữa từ nang, qua ống dẫn tới xoang sữa và núm vú. Phản xạ này bắt đầu vài giây tới vài phút sau khi người mẹ bắt đầu cho bé bú. Phản xạ tiết sữa có thể xảy ra vài lần trong mỗi cữ bú, mẹ có thể cảm thấy râm ran, hơi khó chịu ở ngực hoặc không có cảm giác khác thường nào. Phản xạ này cũng có thể xảy ra ở thời điểm người mẹ nghe thấy tiếng con khóc hoặc nghĩ về bé.
Khi bé bú mẹ, kích thích từ hành động mút của bé giúp mẹ giải phóng nhiều hormone prolactin giúp cơ thể mẹ sản xuất nhiều sữa hơn. Cơ chế này giúp người mẹ luôn đủ sữa cho con vào cữ bú tiếp theo. Vì thế, nếu càng cho con bú đúng cách thường xuyên thì người mẹ sẽ càng có nhiều prolactin trong máu và càng sản xuất nhiều sữa hơn.
Theo các bác sĩ, phụ nữ nên cho con bú hoặc hút sữa trong vòng 1 giờ sau khi sinh, cho bé bú cách mỗi 2,5 – 3 giờ một lần.
Cho trẻ bú mẹ nhiều lần trong ngày để kích thích cơ thể sản xuất sữa nhiều hơn.
Sữa mẹ có chứa một loại protein đặc biệt, được gọi là feedback inhibitor of lactation (FIL). Protein này quyết định mỗi bên ngực mẹ sẽ sản xuất bao nhiêu sữa. Nếu người mẹ cho con bú cạn mỗi bên ngực thường xuyên thì hàm lượng FIL trong vú sẽ thấp. Mức thấp của FIL kích thích cơ thể sản xuất sữa nhiều hơn. Do đó, chị em nên cho bé bú cạn mỗi bên ngực rồi mới đổi bên.
FIL quyết định lượng sữa mỗi bên ngực mẹ là riêng biệt. Điều đó có nghĩa là một bên vú mẹ có thể ít sữa nhưng bên vú còn lại thì đủ. Vì vậy, ngay cả khi người mẹ bị tắc sữa ở một bên vú thì vẫn có thể nuôi con bằng sữa mẹ ở vú bên kia và những người mẹ sinh đôi vẫn có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ.