Tìm hiểu về bình xịt giúp cầu thủ giảm đau sau va chạm trên sân

  •  
  • 1.147

Thành phần của bình xịt giảm đau gồm cách chất khiến da đông lạnh cục bộ, tê cứng, dây thần kinh không truyền được cảm giác đau lên não.

Khi cầu thủ thi đấu, những trường hợp va chạm dẫn đến chấn thương không chảy máu, không gãy xương có thể dùng bình xịt gây tê để giảm đau tại chỗ.

Sau khi xịt vài phút, cầu thủ sẽ cảm thấy hết đau. Các nhân viên y tế phải cân nhắc mức độ chấn thương để quyết định cầu thủ có thể tiếp tục thi đấu hay không.

Bình xịt giúp ức chế cơn đau, không có tác dụng điều trị vết thương.
Bình xịt giúp ức chế cơn đau, không có tác dụng điều trị vết thương. (Ảnh: Slate).

Thành phần của bình xịt thường là CO2 lạnh và Etyl clorua có tác dụng ức chế cơn đau tạm thời. Etyl clorua có nhiệt độ sôi chỉ hơn 12 độ C. Khi xịt lên da (khoảng 37 độ C), chất này sẽ sôi và bốc hơi, kéo theo nhiệt mạnh, khiến da bị tê cứng và đông lạnh cục bộ. Từ đó, dây thần kinh không truyền được cảm giác đau lên não bộ. Khí CO2 lạnh có chức năng gây tê, giảm đau, làm mát vết thương. Đối với những pha va chạm gây sưng, bầm tím sẽ có hiệu quả ngay lập tức.

Theo NCBI, nguyên lý hoạt động của bình xịt tương tự khi ta cầm cục đá lạnh trên tay, dây thần kinh cảm giác bị tê và không truyền được cơn đau.

Đối với cầu thủ bóng đá, cảm giác đau biến mất nhanh chóng một phần có thể do tâm lý phấn khích khi thi đấu khiến họ quên đau đớn.

Phương pháp bình xịt tê giảm đau chỉ có tác dụng ức chế và giảm đau tạm thời, không có tác dụng chữa trị vết thương. Sau trận đấu, cầu thủ vẫn phải được bác sĩ thăm khám và điều trị chấn thương sớm nhất để nhanh chóng phục hồi.

Cập nhật: 28/01/2019 Theo VNE
  • 1.147