Sức mạnh biến thể F-16

  •  
  • 5.583

Với sự hợp tác của tập đoàn Lockheed Martin, một số nước dựa vào thiết kế của F-16 để phát triển phiên bản nội địa của loại máy bay chiến đấu đa nhiệm này.

Máy bay chiến đấu đa nhiệm F–16 Fighting Falcon (chim cắt chiến đấu) do tập đoàn General Dynamics nghiên cứu và phát triển, được xem là một trong những chiến đấu cơ hoạt động thành công nhất trên thế giới. Đã có gần 5.000 chiếc F–16 ra đời, phục vụ ở khoảng 25 quốc gia .

Năm 1993, cơ sở sản xuất máy bay của General Dynamics được bán cho Lockheed. Năm 1995, Lockheed trở thành một bộ phận của Lockheed Martin sau khi sáp nhập với Martin Marietta.

Từ năm 1995, Lockheed Martin đảm nhiệm công việc phát triển biến thể mới cho F–16.

Chiến đấu cơ đa năng F - 16 của không lực Mỹ.

Những tính năng ưu việt của F – 16 được nhiều nước và vùng lãnh thổ học hỏi. Hợp tác với Lockheed Martin, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã tiến hành nghiên cứu thiết kế chiến đấu cơ nội địa dựa trên F–16.

Chiến đấu cơ đa năng F-CK-1 Ching Kuo (Đài Loan)

Chiến đấu cơ đa năng, hoạt động trong mọi thời tiết F-CK-1 Ching Kuo (đặt theo tên của Tưởng Kinh Quốc) do Tập đoàn Phát triển công nghiệp hàng không vũ trụ (AIDC) nghiên cứu thiết kế.

F-CK-1 ít nhiều chịu ảnh hưởng từ F – 16, thể hiện rõ nhất ở hình dáng dù có nhiều khác biệt.

Máy bay chiến đấu đa năng F-CK-1 Ching Kuo mang dáng dấp F - 16.

F-CK-1 được trang bị hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, sử dụng ra đa đa năng Golden Dragon GD – 53 hoạt động ở chế độ tìm kiếm cả trên không và trên biển (tầm hoạt động 130km), hệ thống điều khiển điện tử fly – by – wire, hệ thống dẫn đường quán tính.

Ching Kuo có hai giá treo vũ khí dưới thân, hai giá treo trên cánh và hai giá ở đầu cánh máy bay.

- Với nhiệm vụ đối không, F-CK-1 được trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn dẫn đường tầm nhiệt Tien Chien 1 (tầm bắn 5km) và tên lửa không đối không tầm trung dẫn đường bằng ra đa chủ động Tien Chien 2 (tầm bắn 60km).

- Với nhiệm vụ đối đất, máy bay có khả năng mang tên lửa không đối đất giống như loại AGM-65 Maverick, tên lửa chống ra đa Tien Chien 2A dẫn đường bằng ra đa chủ động và bị động. Cùng với đó là rocket, bom thường, bom chùm…

- Với nhiệm vụ đối hạm, máy bay mang được ba tên lửa diệt hạm Hsiung Feng II do Đài Loan tự thiết kế. Hsiung Feng II có tầm bắn 80km, dẫn đường bằng ra đa chủ động. Tên lửa lắp đầu đạn thuốc nổ mạnh hoặc xuyên giáp nặng 225kg.

Hỏa lực của F-CK-1 rất đa dạng, gồm vũ khí không đối không, không đối đất và không đối hạm

Chiến đấu cơ đa năng F-CK-1 trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy TFE 1042 cho phép máy bay đạt tốc độ siêu âm (Mach 1,8), tầm bay hơn 1.000km, trần bay khoảng 17.000 m.

Hiện nay, không quân Đài Loan có 130 chiếc F-CK-1 Ching Kuo.

Máy bay chiến đấu đa năng Mitsubishi F – 2 (Nhật Bản)

Nếu như F-CK-1 Ching Kuo chỉ chịu ảnh hưởng một phần của F–16 thì Misubishi F–2 lại được thiết kế hoàn toàn dựa trên phiên bản F–16C/D của Lockheed Martin.

Misubishi F–2 hiện nay được phát triển dưới sự hợp tác của tập đoàn công nghiệp nặng Misubishi, Lockheed Martin và một vài công ty khác của cả Mĩ và Nhật Bản.

Được nghiên cứu thiết kế hoàn toàn dựa trên F–16 nên xét về ngoại hình, F–2 không có quá nhiều sự khác biệt, có chăng chỉ là một số thay đổi về kích cỡ. Nhiệm vụ chủ yếu của chiến đấu cơ này là chống hạm.

Misubishi F - 2 thiết kế hoàn toàn dựa trên F - 16C/D

Misubishi F–2 có các thiết bị điện tử hàng không của cả Lockheed Martin và Nhật Bản. Buồng lái lắp đặt màn hình tinh thể lỏng (LCD) đa năng và màn hình hiển thị trước mặt phi công (HUD). F–2 trang bị ra đa quét mạng pha chủ động do Nhật Bản nghiên cứu.

Hỏa lực của F–2 gồm một pháo M61A1 20mm, 13 giá treo trên cánh và thân mang được các loại:

- Tên lửa không đối không tầm ngắn AIM – 9L “rắn đuôi chuông”, tên lửa không đối không tầm trung AIM – 7F/M, tên lửa không đối không tầm ngắn AAM – 3.

- Bom chùm CBU–87, bom thông thường và rocket.

- Tên lửa diệt hạm ASM–1 (tầm bắn 50km) và ASM–2 (tầm bắn 180km).

Misubishi F-2 vũ trang đa dạng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Tuy nhiên, vai trò chính yếu là đối hạm.

Misubishi F–2 được trang bị một động cơ phản lực cánh quạt đẩy General Electric F110-GE-129, đạt tốc độ siêu âm (Mach 2), tầm bay tác chiến trong nhiệm vụ đối hạm là 800 km, trần bay 18.000 m.

Máy bay tấn công hạng nhẹ và huấn luyện cao cấp T–50 Golden Eagles (Hàn Quốc)

Máy bay tấn công hạng nhẹ và huấn luyện cao cấp T–50 Golden Eagles (Đại bàng vàng) do Tập đoàn Công nghiệp hàng không không gian Hàn Quốc hợp tác với Lockheed Martin cùng phát triển.

T–50 được dùng để thay thế cho máy bay huấn luyện BAE Hawk 67, Northop T–38 và kể cả cường kích F – 5E/F.

Máy bay tấn cộng hạng nhẹ và huấn luyện cao cấp T - 50 "Đại bàng vàng".

“Đại bàng vàng” T – 50 được thiết kế dựa trên F – 16, nhưng vẫn có những điểm khác biệt, nhất là cửa hút khí tăng lực động cơ mở sang hai bên gốc cánh (tương tự F-CK-1).

Hệ thống điện tử hàng không của T–50 sử dụng thiết bị của Hàn Quốc và Mĩ (Lockheed Martin). Buồng lái được trang bị màn LCD và HUD, hệ thống kiểm soát fly – by – wire, hệ thống định vị toàn cầu, định vị quán tính…

Về ra đa, A–50 (biến thể của T-50 trong vai trò tấn công hạng nhẹ) được lắp đặt ra đa đa năng AN/APG – 67 của Lockheed Martin.

Thiết kế dựa trên F-16, "đại bàng vàng" T-50 vẫn có những điểm khác biệt như cửa hút khí tăng lực động cơ được mở ở hai bên gốc cánh.

“Đại bàng vàng” được vũ trang một pháo “hỏa thần” M61A1 20mm, cùng với bảy giá treo trên thân và cánh mang tên lửa không đối không AIM – 9, tên lửa không đối đất AGM – 65, bom Mk82/83/84 và rocket.

Máy bay trang bị một động cơ phản lực cánh quạt đẩy General Electric F404-GE-102, cho phép đạt tốc độ siêu âm (Mach 1,4), tầm bay 1.800km, trần bay 15.000 m.

Theo Báo Đất Việt
  • 5.583