Không chỉ có những viên thuốc vô hại (giả dược) thần kỳ, các chuyên gia y tế mới đây còn phát hiện sức mạnh đáng kinh ngạc của "giả phẫu thuật" đối với việc điều trị gãy cột sống.
Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, các phương pháp giả dược (dùng chất vô hại để trấn an tinh thần người bệnh, thay vì chữa bệnh) có thể vô cùng hữu hiệu, đặc biệt trong việc điều trị các chứng đau, trầm cảm và thậm chí cải thiện một số triệu chứng của bệnh Parkinson.
Mới đây, tiến sĩ David Kallmes, chuyên gia X-quang nổi tiếng tại Trung tâm y tế Mayo (Mỹ), một trong những bệnh viện hàng đầu thế giới và là nơi các tổng thống Mỹ thường lui tới khám chữa bệnh, thậm chí đã phát hiện ra tác dụng bất ngờ của "giả phẫu thuật" đối với việc điều trị chứng gãy cột sống..
Suốt 15 năm qua, ông Kallmes đã điều trị cho các ca gãy lưng bằng giải phẫu tạo hình đốt sống (vertebroplasty), phương pháp bơm một loại xi măng y tế đặc biệt vào chỗ xương bị gãy. Ông nhận thấy, cách điều trị này rất hiệu quả.
Tuy nhiên, ông bắt đầu hoài nghi thực sự điều gì đã xảy ra, vì tình trạng của một số bệnh nhân dường như vẫn được cải thiện ngay cả khi các ca phẫu thuật diễn ra theo chiều hướng sai lầm nghiêm trọng, tức là khi bác sĩ bơm "nhầm" xi măng vào đốt sống khác. Tiến sĩ Kallmes kết luận, chắc chắn còn nhiều yếu tố khác quyết định hiệu quả của phương pháp vertebroplasty.
Ông Kallmes rốt cuộc đã có một quyết định bất thường: tiến hành thử nghiệm xem liệu phương pháp vertebroplasty có tác dụng như giả dược hay không. Trong đó, một số bệnh nhân gãy sống lưng đã trải qua phẫu thuật vertebroplasty như bình thường, và một số trường hợp chỉ nhận được "giả phẫu thuật". Bệnh nhân cho mỗi cách điều trị hoàn toàn do máy tính lựa chọn ngẫu nhiên.
Mọi giai đoạn chuẩn bị cho bệnh nhân, từ trước phẫu thuật tới việc đưa vào phòng mổ, tiêm gây tê tại chỗ đều như nhau. Ngay cả các các sĩ phụ trách ca bệnh cũng không biết họ sẽ tiến hành phẫu thuật thật hay giả.
Kết quả cho thấy, không có khác biệt lớn nào về mức độ giảm đau cũng như sự cải thiện chức năng của cột sống giữa các bệnh nhân được phẫu thuật thật và các bệnh nhân chỉ trải qua "giả phẫu thuật".
Tác dụng tương tự cũng thu được trong thử nghiệm của một nhà nghiên cứu khác ở Australia. Một lần nữa, giả phẫu thuật chứng minh có hiệu quả tương đương phương pháp vertebroplasty.
Theo tiến sĩ Kallmes, điều này không có nghĩa, "giả phẫu thuật" đã trực tiếp hàn gắn các xương bị gãy của bệnh nhân. Thay vào đó, phương pháp này phát huy hiệu quả nhờ giải phóng bệnh nhân khỏi cơn đau của họ đủ lâu để xương tự hàn gắn sau đó một cách tự nhiên.
Khám phá đã gây sốc cho cả cộng đồng y tế, vì cho tới nay, các bác sĩ trên thế giới đã tiến hành phẫu thuật vertebrplasty cho hơn một triệu bệnh nhân. Dẫu vậy, các chuyên gia cảnh báo, không thể kết luận, giả phẫu thuật cũng sẽ có tác dụng tốt đối với những tình trạng bệnh khác, chẳng hạn như bị khối u cần loại bỏ.
Giới khoa học thừa nhận, còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết về các phương pháp giả dược hay giả phẫu thuật cũng như cơ chế hoạt động của chúng. Tại sao một số người đáp ứng rất tốt, trong khi số khác lại không hay liệu các gen của chúng ta có giữ vai trò nào đó trong hoạt động của giả dược/giả phẫu thuật, ... đang bắt đầu trở thành mục tiêu tìm hiểu của các nhà nghiên cứu.