Tại sao Australia là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất TG trong khi Việt Nam xếp thứ 100?

  •   52
  • 5.237

Là đất nước với môi trường trong lành và nguồn thực phẩm sạch nhưng Australia có tỷ lệ người mắc ung thư nhiều nhất TG. Nguy cơ mắc bệnh của nam giới cao gấp 20 lần so với châu Âu.

Ngày 12/9, Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bảng xếp hạng tỷ lệ ung thư đã hiệu chỉnh theo tuổi (số trường hợp ung thư/100.000 dân) ở cả hai giới của 172 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Theo đó, Australia xếp vị trí đầu bảng (468/100.000), Mỹ có tỷ lệ mắc ung thư đứng thứ 5 thế giới (352,2/100.000), Trung Quốc có tỷ lệ mắc ung thư đứng thứ 68 thế giới (201,7/100.000) và Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư đứng thứ 100 thế giới (151,4/100.000).

Bản đồ ung thư thế giới mới nhất: Việt Nam đang đứng thứ bao nhiêu?

Số liệu cho thấy tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng ở đầu hết các nước trên thế giới, trong đó khoảng 70% ở các nước đang phát triển. Các nước thuộc Top 10 khác là New Zealand, Ireland, Hungary, Mỹ, Bỉ, Pháp, Đan Mạch, Na Uy và Hà Lan.

Theo WHO, năm 2018 sẽ có khoảng 18,1 triệu người bị phát hiện mắc ung thư, hơn 9,6 triệu trong số này tử vong.

Tại Việt Nam, số ca ung thư mới tăng nhanh từ 68.000 người năm 2000 lên 126.000 vào năm 2010. Dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 200.000 ca vào năm 2020. Hàng năm nước ta có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tức khoảng 315 ca tử vong mỗi ngày.

Tại sao Australia lại là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới?

Là một đất nước hiện đại với môi trường trong lành ít khói bụi và nguồn thực phẩm sạch, Australia luôn nằm trong điểm đến đầu tiên của nhiều khách du lịch quốc tế. Thế nhưng, xứ sở chuột túi lại đối mặt với tỷ lệ người mắc ung thư nhiều nhất thế giới.

Năm 2018, ước tính sẽ có khoảng 197.876 người Australia mới phát hiện bị ung thư, trong đó 120.034 ca là nam giới.

Tại sao Australia lại là quốc gia có tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới?

Loại ung thư phổ biến nhất ở Australia là ung thư da không phải tế bào hắc tố, với 59.278 ca mắc mới và tỷ lệ tử vong chỉ 1,79% trong năm 2018. Theo Hội đồng Ung thư Australia, 2/3 người dân nước này sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư da trước tuổi 70.

Tiếp đó là ung thư vúung thư tuyến tiền liệt, với tổng số ca mắc mới lên tới 18.000 ca trong năm nay. Ung thư tuyến tiền liệt rất là nguy hiểm nhất, với 3290 người tử vong trong năm nay.

Theo CNN, nguyên nhân khiến ung thư da được gọi "căn bệnh dịch đặc hữu", "bệnh ung thư quốc gia" của Australia là do hiện tượng lỗ thủng tầng ozon của trái đất xuất hiện ở Nam Cực, nên tình trạng phơi nhiễm tia cực tím UV ngày càng cao.

Dữ liệu của Quỹ nghiên cứu ung thư tế bào hắc tố có trụ sở tại Texas (Mỹ) cho biết Australia và New Zealand là những nơi có tỷ lệ người bị ung thư da cao nhất thế giới. Tỷ lệ mắc u ác tính của phụ nữ ở Australia cao gấp 10 lần ở châu Âu, và tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới cao gấp 20 lần.

Theo giáo sư David Whitman thuộc Viện Y khoa Qimil Berghof ở Queensland, yếu tố khí hậu cũng góp phần làm tăng cao tỷ lệ ung thư hắc tố của Australia, ví dụ vào mùa hè, bầu trời ở đây trong xanh vì tình trạng ô nhiễm không khí tương đối nhẹ.

"Ngoài ra, nhiều người dân đã di cư đến các vùng vĩ độ thấp, có nhiều nắng và đây cũng là một yếu tố gây ra thảm họa ung thư da", giáo sư David Whitman cho biết.

Nguy hiểm hơn là một số người Australia vẫn bỏ qua các cảnh báo của chính phủ về nguy cơ mắc ung thư da và vẫn thích làn da rám nắng (tự nhiên và nhân tạo). Tất nhiên, các bức xạ tia cực tím phát ra từ các thiết bị "nhuộm da" cũng làm tăng nguy cơ ung thư da.

Hiện nay, chính phủ Australia và các tổ chức cộng đồng đã và đang nỗ lực rất nhiều để thay đổi suy nghĩ về "Người Australia màu đồng". Họ sử dụng khẩu hiệu “Slip, Slop, Slap” để vận động mọi người chủ động "mặc áo sơ mi, thoa kem chống nắng và đội mũ".

Cập nhật: 22/09/2018 Theo Soha
  • 52
  • 5.237