Tại sao các bức tượng điêu khắc Quan Vũ đều nhắm mắt?

  •  
  • 5.412

Quan Vũ là một nhân vật quan trọng cuối thời Đông Hán. Thời kỳ Tam Quốc phân tranh, thiên hạ bị chia cắt, ba nước Ngụy, Thục, Ngô tranh đoạt Trung Nguyên, các trận đánh diễn ra triền miên hết năm này qua năm khác.

Mặc dù chỉ tồn tại 60 năm trong lịch sử nhưng đây là thời kỳ quần hùng tranh khởi, khói lửa ngập trời. Thời thế tạo anh hùng, trong bối cảnh thời đại rối ren chiến loạn khắp nơi, võ tướng chính là chìa khóa có tính chất quyết định đến thành công của các thế lực lúc bấy giờ.

Quan Vũ là tướng dưới trướng của Lưu Bị, ông được xem là đại võ tướng mạnh thứ hai dưới thời Tam Quốc chỉ sau Lã Bố.

Quan Vũ không chỉ kết bái với Lưu Bị và Trương Phi mà còn đảm nhận trọng trách khôi phục Hán thất. Với tài năng của mình, ngay cả khi bị Tào Táo đánh bại, ông vẫn được đối phương nhất mực kính trọng.

Trong lịch sử, Quan Vân Trường chính là đại diện cho lòng trung nghĩa, "Trung, Tín, Nghĩa, Dũng" chính là những mỹ từ mà hậu thế dùng để nói về con người võ tướng này.

Các hoàng đế nhà Tống, nhà Minh và nhà Thanh sau này cũng đã nhiều lần truy phong tước hiệu cho ông.


Dưới thời nhà Tống, Tống Huy Tông đã phong Quan Vũ là "Trung Huệ Công", "Vũ Hán Vương".

Vào năm Vạn Lịch thứ 42, Minh Thần Tông thậm chí đã phong ông là "Tam Giới Phục Quỷ Đại Đế Thần Uy Viễn Trấn Thiên Tôn Quan Thánh Đế Quân". Việc truy phong lần đó đã mang đến cho nhân vật lịch sử này một màu sắc thần thánh vượt ra ngoài phạm vi nhân gian.

Đến thời nhà Thanh, Quan Vũ được hoàng đế Khang Hy phong là "Võ Thánh", sánh ngang với "Văn Thánh" của Khổng Tử, từ đó có thể thấy được tầm ảnh hưởng to lớn của ông đối với hậu thế.

Với nhiều lần được truy phong cùng với sự tôn sùng của hậu thế, hình tượng Quan Vũ dường như đã trở thành biểu tượng của thần thánh.

Dưới các thời đại phong kiến, tượng điêu khắc hay các sản phẩm tranh vẽ hay thậm chí là cả đồ chơi có liên quan đến Quan Vũ đã xuất hiện ở nhiều nơi, phục vụ cho mọi người chiêm ngưỡng.

Trong dân gian, thậm chí còn có người xăm hình Quan Vũ lên cơ thể với hi vọng được ban phúc, cầu bình an, đồng thời cũng là để nhắc nhở bản thân luôn ghi nhớ thật kỹ hai chữ "trung, nghĩa".

Tuy nhiên, khi xăm hình Quan Vũ, người ta chỉ xăm ở ngực, không xăm ở lưng, hơn nữa hầu như trong phần lớn các tình huống, người ta cũng chỉ xăm Quan Vũ nhắm mắt chứ không xăm mở mắt.

Không chỉ vậy, tượng Quan Vũ trong dân gian, bất luận là pho nào, do ai điêu khắc cũng đều có chung một đặc điểm, đó là hai mắt đều nhắm, không có pho nào mà hai mắt được điêu khắc ở trạng thái mở.

Rốt cuộc tại sao lại như vậy?

Theo lời những người thợ mộc thì đáp áp tương đối khó tin: "Không ai dám điêu khắc tượng Quan Vũ mà để hai mắt mở to". Vì sao lại như vậy? Suy cho cùng, đằng sau việc này có ẩn chứa huyền cơ gì?

Trang QQ (Trung Quốc) đưa ra 4 lý do giải thích cho việc này.

Nhiều người cho rằng, nếu để đôi mắt của ông mở to, sát khí quá nặng lẽ tự nhiên sẽ không tốt.
Nhiều người cho rằng, nếu để đôi mắt của ông mở to, sát khí quá nặng lẽ tự nhiên sẽ không tốt.

Thứ nhất: Nếu để tượng Quan Vũ mở mắt, sát khí quá nặng, sẽ gây ảnh hưởng đến hình tượng Quan Vũ

Cuộc đời Quan Vũ gắn liền với các trận đánh đẫm máu, việc giết chóc diễn ra thường nhật. Năm xưa, tên tuổi của ông gắn liền với các chiến tích lớn lao người khác ít ai sánh kịp. Quan Vũ từng lấy mạng Trình Chí Viễn, Quản Hợi, tướng lĩnh của Viên Thiệu như Nhan Lương, Văn Xú, trảm Dương Linh trong trận Trường Sa, vượt năm ải chém sáu tướng như Biện Hỉ, Vương Trực...

Chỉ tính hàng tướng lĩnh cũng đã hơn ba chục người chứ chưa nói đến các binh sĩ vô danh mà ông đã giết trên chiến trường.

Quan Vũ theo Lưu Bị hơn 30 năm, hầu như mỗi tháng đều có một trận chiến, trên chiến trường, không phải ta chết thì ngươi chết, một mất một còn, không thể nhượng bộ. Sinh tồn trong bối cảnh lưỡi đao luôn nhuốm máu, số người chết dưới tay Quan Vũ quả thực là nhiều không tính xuể.

Cứ như vậy lâu dần, trong đôi mắt của võ tướng này lẽ tự nhiên sẽ đọng lại toàn là sát khí, nếu đứng ở khoảng cách gần chắc hẳn sẽ cảm nhận được.

Trong khi đó, hậu thế trong nhân gian điêu khắc tượng Quan Vũ với mục đích cầu được bình an, nếu để đôi mắt của ông mở to, sát khí quá nặng lẽ tự nhiên sẽ không tốt, đồng thời cũng ảnh hưởng đến hình tượng của ông.

Nguyên nhân thứ hai: Quan Vũ nhiều năm đọc sách nên bị cận

Quan Vũ có thói quen nheo mắt. Theo truyền thuyết, Quan Vũ không chỉ dũng cảm khiến người khác kinh ngạc mà còn rất thích đọc sách, có thể nói là văn võ song toàn.

Sinh ra trong thời loạn lạc, ban ngày đánh trận triền miên nên phải đến ban đêm mới có thời gian đọc sách. Mà dưới thời cổ đại chỉ có ánh đèn dầu leo lét, nếu đọc sách trong một môi trường thiếu ánh sáng dài ngày, thị lực bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa trước khi quen biết Lưu Bị, Quan Vũ kiếm sống bằng nghề bán táo đỏ. Táo đỏ vốn không dễ bảo quản, không thể bán được khi đã hết mùa hoặc sang năm sau. Thời đó, hầu như nhà nào cũng trồng cây táo đỏ trong nhà, về cơ bản người dân có thể tự cung tự cấp nên việc buôn bán của Quan Vũ không hề thuận lợi.

Việc kiếm tiền không thuận lợi nên tiền mua dầu thắp sáng cũng là một vấn đề, ông không thể thắp đèn đọc sách thường xuyên, thói quen đọc sách không có đủ ánh sáng khiến cho Quan Vũ gặp dị tật về mắt, thường phải nheo mắt khi nhìn mọi người.

Tuy nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán dựa trên những câu chuyện truyền miệng của dân gian.

Nguyên nhân thứ ba: Quan Vũ mở mắt sẽ giết người

Người ta cho rằng, phần lớn thời gian Quan Vũ mở mắt là sẽ giết người
Người ta cho rằng, phần lớn thời gian Quan Vũ mở mắt là sẽ giết người.

Thời trẻ, Quan Vũ từng giết một cường hào đã áp bức ông ta. Sau khi theo Lưu Bị, ông lại giết thêm vô số người.

Theo quan niệm dân gian, những oan hồn này ngày ngày lơ lửng trước mắt ông, vì thế Quan Vũ phải nhắm mắt lại để lấy lại sự thanh tịnh trong tâm hồn.

Người ta cho rằng, phần lớn thời gian Quan Vũ mở mắt là sẽ giết người, vậy nên việc điêu khắc một Quan Công mở mắt chẳng khác gì đem đến cho người sở hữu tượng Quan Công sự bất an và tai họa.

Nguyên nhân thứ tư: Rất khó để khắc họa đôi mắt

Theo tín ngưỡng của Trung Quốc từ xưa đến nay, người khắc họa hình tượng thần linh đều không dám khắc họa đôi mắt, trừ khi có một cao tăng hướng dẫn, chỉ điểm, nếu không việc này sẽ mang đến tai họa cho người vẽ chân dung. Quan niệm này đã được ghi chép trong cuốn "Lịch đại danh họa ký" của Trương Ngạn Viễn đời Đường.

Tương truyền vào thời Nam và Bắc triều, một họa sĩ tên Trương Tăng Diêu rất giỏi vẽ rồng. Nhận lời chùa Lăng An Lạc, họa sĩ Trương đã vẽ bốn con rồng trên tường của ngôi đền để cầu sự bình an cho nhà chùa.

Bốn con rồng được vẽ rất sinh động, chỉ có điều tất cả đều không có mắt. Khuyết điểm duy nhất này khiến các sư trong chùa không hài lòng, họ cho rằng vẽ rồng thì phải vẽ mắt, nếu không thì sẽ trở thành rồng tàn tật và không mang lại lợi ích gì.

Họa sĩ Trương đành tiến hành vẽ mắt cho hai con rồng. Thật không ai ngờ được, ngay lúc đó mưa gió mây đen kéo đến, sấm chớp đùng đùng. Hai con rồng vừa được vẽ mắt lập tức bay lên không trung, lượn quanh nóc ngôi chùa rồi bay lẫn vào đám mây đen.

Tăng nhân trong chùa chứng kiến cảnh đó đều kinh hãi, trên vách tường chỉ có hai con rồng chưa được vẽ mắt.

Điển cố này muốn chứng minh cho quan niệm rằng khắc họa thần linh, tuyệt đối không được tùy tiện vẽ mắt, nếu không sẽ gây ra tai họa.

Quan Vũ trong lòng hậu thế không khác gì một vị thánh, vì thế cho nên không một thợ mộc hay một họa sĩ nào dám vẽ mắt cho ông.

Kết luận

Hình tượng của Quan Vũ từ thời cổ đại đã được miêu tả dựa trên những lời truyền miệng trong dân gian. Thế nên ngoài những người đã từng trực tiếp gặp ông lúc sinh thời hay bạn bè thân thiết của ông ra, những người khác chỉ có thể biết đến hình tượng của ông qua sự miêu tả cũng như trí tưởng tượng của người đời.

Đây cũng là lý do vì sao hình tượng Quan Vũ qua mỗi triều đại lại khác nhau đến vậy. Từ thời kỳ Nam Bắc triều cho đến thời Đường, mặt Quan Vũ có màu vàng đậm. Thế nhưng từ sau thời Tống, mặt ông được chuyển từ màu vàng đậm sang màu đỏ và đến thời Thanh lại có màu đen lồng trong màu đỏ. Đây cũng là lý do tại sao mà ở mỗi một nơi, người ta lại điêu khắc tượng Quan Vũ có vẻ ngoài khác nhau.

Nhưng cho dù người đời khắc họa hình tượng ông ra sao, thì trong lòng hậu thế, Quan Vũ vẫn là một biểu tượng sừng sững cho lòng trung thành, dũng cảm, sống vì chính nghĩa. Đây cũng là những phẩm chất tốt đẹp mà các thế hệ sau cần học hỏi.

Cập nhật: 16/10/2021 Theo Dân Việt
  • 5.412