Tại sao châu Á điêu đứng vì lũ lụt?

Nguyên nhân khiến châu Á điêu đứng vì lũ lụt
  •  
  • 805

Sau những trận lũ hồi tháng 6 và 7, Nobiron, góa phụ 54 tuổi sống gần sông Brahmaputra ở phía bắc Bangladesh, cho biết bà "chẳng còn gì".

"Đời tôi chưa bao giờ phải chịu mất mát vì lũ lớn đến vậy. Ngôi nhà tổ tiên để lại đã trôi xuống sông, cùng tất cả những gì mà tôi xoay xở tiết kiệm được suốt cả cuộc đời", Nobiron cho biết.

Bangladesh, quốc gia nằm ở vùng đồng bằng thường xuyên hứng lũ lụt do gió mùa, năm nay chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng. Từng có thời điểm 1/3 diện tích lãnh thổ quốc gia này chìm trong nước lũ.

"Những năm gần đây, tần suất lũ bất thường tại Bangladesh đã gia tăng đáng kể, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và tài sản của người dân", Kaiser Rejve, giám đốc tổ chức phi chính phủ CARE chi nhánh Bangladesh, cho biết, nói thêm rằng tình trạng này "báo hiệu nguy cơ tần suất và cường độ lũ, cũng như sự xói mòn bờ sông, sẽ mạnh hơn trong những năm tới".

Tuy nhiên, không chỉ Bangladesh, hiện tượng này đang diễn ra khắp khu vực châu Á. Kể từ tháng 6, những trận mưa xối xả đã dẫn tới ngập lụt trên diện rộng ở nhiều quốc gia phía đông, đông nam và nam châu Á. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Nepal, Pakistan, Mông Cổ, Ấn Độ, hàng triệu người phải di dời và hàng trăm người thiệt mạng vì lũ lụt.

Cư dân được sơ tán khỏi một khu phố ngập lụt ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ, hôm 15/10.
Cư dân được sơ tán khỏi một khu phố ngập lụt ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ, hôm 15/10. (Ảnh: Reuters).

Chỉ tính riêng Trung Quốc trong năm nay, 2,7 triệu người phải sơ tán và ước tính 63 triệu người chịu ảnh hưởng vì lũ. Tổng cộng 53 sông đã chạm hoặc gần mực nước cao kỷ lục. Nhiều con đập trên lưu vực sông Trường Giang cũng không còn đủ sức chứa nước, gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất ở miền nam Trung Quốc ít nhất kể từ năm 1961.

Trong khi đó, 17 triệu cư dân thuộc khu vực Nam Á đã chịu ảnh hưởng của lũ lụt năm nay. Tình hình thậm chí có khả năng tồi tệ hơn do mưa lớn được dự báo còn tiếp diễn tại nhiều khu vực khắp châu Á.

Nhật Bản, quốc gia không còn xa lạ với thiên tai, cũng chứng kiến hình thái thời tiết ngày càng nguy hiểm. Lượng mưa kỷ lục ở tỉnh Kumamoto trên đảo Kyushu khiến ít nhất 65 người thiệt mạng hồi tháng 7. Nhiều nơi thuộc tỉnh Chiba, phía đông Tokyo, vẫn lao đao vì siêu bão Faxai hồi tháng 9 năm ngoái, khi nó tàn phá hơn 70.000 ngôi nhà, làm mất điện nhiều ngày, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người.

Miền Trung Việt Nam cũng đang hứng chịu những hậu quả từ khi bão Linfa đổ bộ hôm 11/10. Mưa lớn không ngừng gây ra lũ lụt và sạt lở đất, khiến 84 người thiệt mạng, 38 người mất tích, gần 53.000 hộ dân phải sơ tán, tính đến 18/10. Địa bàn bị thiệt hại rải khắp 10 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Tình hình hiện nay cho thấy điều được dự báo từ rất lâu tại châu lục đông dân nhất thế giới dường như dần trở thành hiện thực. "Có một sự nhất quán trong những mô hình dự báo rằng biến đổi khí hậu ở châu Á sẽ dẫn đến lũ lụt nhiều hơn và những mùa mưa dữ dội hơn", Homero Paltan Lopez, chuyên gia thủy lợi tại Đại học Oxford, Anh, cho biết.

Theo dự báo, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến gió mùa tại khu vực, khiến lượng mưa tập trung hơn nữa vào mùa mưa và làm mùa khô kéo dài thêm. Đó chính xác là những gì đang xảy ra, tàn phá đời sống của người dân châu Á, kéo theo hệ lụy về kinh tế nặng nề hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

"Tới năm 2050, 75% lượng vốn toàn cầu bị đe dọa bởi lũ lụt sẽ nằm ở châu Á. Tiểu lục địa Ấn Độ và các vùng lãnh thổ ven biển Đông Nam Á sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất", Ruslan Fakhrutdinov, chuyên gia cộng tác với Viện nghiên cứu Toàn cầu McKinsey, cho biết hồi tháng 8.

"Khoa học ngày càng chính xác hơn. Có một điều chúng tôi biết chắc chắn, là những nơi ẩm ướt sẽ ngày càng ẩm ướt, và các khu vực khô hạn sẽ ngày càng khô hạn", Abhas K Jha, chuyên gia thuộc chương trình quản lý rủi ro đô thị và thiên tai ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới, cho biết.

Tuy nhiên, khả năng tình trạng mưa cực đoan tăng lên không đồng nghĩa với việc năm nào cũng lũ lụt. "Không chỉ lũ, các dòng chảy còn có thể biến tướng theo cách khác và khó lường hơn", chuyên gia Lopez đánh giá, nói thêm rằng các nhà hoạch định không nên bất ngờ nếu lượng mưa trong mùa gió mùa năm sau ít hơn.

Hiện nay, để giải quyết vấn đề, hầu hết thế giới tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính, nhằm giảm tác động lâu dài của biến đổi khí hậu. Châu Á chiếm phần lớn tổng lượng khí thải carbon toàn cầu và tỷ lệ này đang gia tăng, tương ứng với tỷ lệ trong nền kinh tế toàn cầu và mức đầu tư vào lĩnh vực năng lượng của châu lục này.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đối với vấn đề lũ lụt, tác động của việc giảm phát thải trong ngắn hạn và trung hạn rất hạn chế, bởi có khả năng lượng khí thải từ trước đến nay mới là nguyên nhân gây mưa cực đoan và mực nước biển dâng cao, dẫn đến lũ lụt. Hơn nữa, các yếu tố phi khí hậu, như di cư và phát triển, cũng liên quan đến tầm ảnh hưởng kinh tế - xã hội của lũ lụt.

"Theo ước tính, mỗi tuần có khoảng một triệu người di cư đến thành thị. Đó là sự bùng nổ chủ yếu không có kế hoạch, gây ra vấn đề lớn", chuyên gia Jha tại Ngân hàng Thế giới cho biết, nói thêm rằng điều tồi tệ hơn là hầu hết xảy ra ở những thành phố vừa và nhỏ, với "khả năng thích ứng kém nhất".

Tình trạng di cư bắt nguồn từ quá trình phát triển kinh tế kéo dài hàng thập kỷ ở châu Á. Các thành phố tại đây có thêm tổng cộng 200 triệu cư dân trong vòng 10 năm, kể từ năm 2000. Xu hướng này thể hiện rõ rệt nhất ở Trung Quốc, nhưng tốc độ đô thị hóa tại Pakistan, Indonesia và Ấn Độ cũng đang gia tăng mạnh mẽ.

Việc dân số ngày càng đông, thường định cư và xây dựng cơ sở hạ tầng ở những nơi có khả năng hứng lũ cao, đồng nghĩa với cái giá phải trả tăng lên. Một nghiên cứu hồi tháng 7 trên tạp chí Scientific Reports chỉ ra rằng trong khi nguy cơ lũ lụt đang gia tăng trên toàn cầu, mật độ dân số châu Á, kết hợp với yếu tố các cộng đồng thường tập trung ven bờ, đồng nghĩa với việc phần lớn dân số thế giới khả năng cao chịu rủi ro vì lũ trong 80 năm tới sẽ tập trung ở châu lục này.

Những dữ liệu khác cũng phác họa bức tranh tương tự. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Nature Communications năm ngoái ước tính đến năm 2050, số người từng sống tại những nơi hứng lũ do biến đổi khí hậu sẽ là 300 triệu, với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất là Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Việt Nam.

Thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngập trong nước lũ ngày 17/7
Thành phố Thượng Nhiêu, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngập trong nước lũ ngày 17/7. (Ảnh: Reuters).

Những sự thay đổi khác do con người, như tình trạng tàn phá trên diện rộng để nuôi trồng thủy sản tại vùng rừng ngập mặn ven biển, vốn giúp hạn chế nước dâng do bão và nước mặn xâm nhập vào đất liền, khiến đất bị chìm xuống do khai thác nước ngầm quá mức. Việc mất các khu vực đầm lầy và bể chứa nước tự nhiên khác đồng nghĩa với nhiều thành phố dễ bị ngập lụt hơn, ngay cả khi không có yếu tố biến đổi khí hậu.

Thêm vào đó, phản ứng từ các nhà hoạch định chính sách được cho là vẫn còn lỗ hổng, dù sự phát triển của khoa học giúp cung cấp ngày càng nhiều dữ liệu về cuộc khủng hoảng.

Câu hỏi được đặt ra là liệu các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ, như những con đập, có phải giải pháp hay không. Một số trận lũ lụt dữ dội đã xảy ra trên lưu vực sông Trường Giang, nơi sở hữu những cơ sở hạ tầng trị thủy quy mô lớn hàng đầu thế giới, bao gồm đập Tam Hiệp. Chuyên gia Lopez cho biết việc lũ hoành hành tại nơi mà Trung Quốc dồn nỗ lực kiểm soát ngập lụt suốt nhiều thập kỷ là một "bất ngờ".

Do đó, chuyên gia Jha đề xuất chuyển từ cái mà ông gọi là "cơ sở hạ tầng xám", bao gồm các đập, kênh và công trình trị thủy quy mô lớn khác, sang những "cơ sở hạ tầng xanh", có nghĩa là tập trung vào việc tăng khả năng chứa nước của các thành phố thông qua cảnh quan, đồng thời khôi phục những hệ thống sinh thái như đồng bằng ngập nước, đầm lầy và rừng ngập mặn.

"Vấn đề thường nằm ở chỗ ngay cả khi các thành phố cố gắng xử lý lũ lụt, họ vẫn quá chú trọng vào cơ sở hạ tầng xám. Đó là một phần của giải pháp, nhưng không phải tất cả. Chúng ta phải cân bằng giữa cơ sở hạ tầng xanh và xám, hoặc thiết kế đô thị sao cho hợp lý", Jha giải thích.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trụ sở ở Manila, Philippines, ước tính chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và xám tại châu Á từ nay đến năm 2030 vào khoảng 800 tỷ USD, con số khá lớn. Tuy nhiên, cái giá phải trả nếu không hành động có thể còn cao hơn. Chỉ riêng lũ lụt ở Trung Quốc đã gây thiệt hại 25 tỷ USD trong năm nay.

Nhiều quốc gia đang mở rộng ngân sách cho vấn đề môi trường. Hồi tháng 7, Hàn Quốc công bố kế hoạch "Thỏa thuận Xanh Mới" đến năm 2025, với ngân sách lên tới 73 nghìn tỷ won (63 tỷ USD). Các mục tiêu chính bao gồm giảm khí thải carbon trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời đầu tư vào những công trình tiết kiệm năng lượng.

Đây được đánh giá là một khởi đầu tốt, nhưng Jha cho rằng cần nỗ lực lớn hơn nữa. "Chúng tôi muốn thấy nhiều hành động hơn", ông nói.

Cập nhật: 20/10/2020 Theo VnExpress
  • 805