Tại sao khả năng giữ thăng bằng kém đi nhanh chóng sau tuổi 40?

  •  
  • 826

Một nghiên cứu mới đây cho biết ở độ tuổi 40 trở đi, hệ thống giúp chúng ta giữ thăng bằng sẽ bị suy giảm đáng kể.

Để thực hiện nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành kiểm tra hệ tiền đình của 105 người tham gia trong độ tuổi từ 18 đến 80. Tiền đình là một hệ thống thuộc thần kinh nằm ở phía sau ốc tai có chức năng phối hợp cử động giữa mắt, đầu và thân người đồng thời phát hiện lực hấp dẫn và gửi tín hiệu đến não bộ. Quan trọng nhất, đây chính là hệ thống giúp con người duy trì sự cân bằng và tự định hướng.

Trong thử nghiệm, những người tham gia ngồi trên ghế đặt trên một mặt phẳng có thể tạo ra những sự dịch chuyển nhỏ theo nhiều hướng khác nhau. Họ được yêu cầu phải báo cáo lại mỗi khi cảm nhận được chuyển động theo một hướng nhất định.

Tiền đình chính là hệ thống giúp con người duy trì sự cân bằng và tự định hướng.
Tiền đình chính là hệ thống giúp con người duy trì sự cân bằng và tự định hướng.

Từ đó, các nhà khoa học sẽ tiến hành xác định "ngưỡng" của hệ thống tiền đình của mỗi người. Theo đó, "ngưỡng tiền đình" là sự chuyển động nhỏ nhất mà người tham gia có thể cảm nhận được. Các nhà khoa học cho biết, ngưỡng này càng thấp thì hệ thống tiền đình càng hoạt động hiệu quả.

Theo trang Live Science, kết quả phân tích cho thấy "ngưỡng tiền đình" có xu hướng ngày càng cao ở những người tham gia trên 40 tuổi. Thậm chí, số liệu này còn tăng lên đến 83% sau mỗi 10 năm kể từ tuổi 40.

"Ngưỡng tiền đình" có xu hướng ngày càng cao ở những người tham gia trên 40 tuổi.
"Ngưỡng tiền đình" có xu hướng ngày càng cao ở những người tham gia trên 40 tuổi.

Ngoài ra, họ còn tiến hành một thử nghiệm khác là nhắm mắt và đứng trên đệm mút hoạt tính (một loại mút dẻo có độ co giãn cao) trong vòng 30 giây để kiểm tra khả năng giữ thăng bằng. Và kết quả cũng không quá ngạc nhiên khi những người có "ngưỡng tiền đình" ở mức cao có xu hướng phải mở mắt hoặc di chuyển chân để giữ thăng bằng và họ cũng dễ ngã hơn so với những người có "ngưỡng tiền đình" thấp.

Do thất bại trong thử nghiệm có liên quan chặt chẽ với việc giữ thăng bằng, các nhà khoa học cho biết hệ thống tiền đình có tác động đáng kể đến nguy cơ vấp ngã của mỗi người.

Hệ thống tiền đình có tác động đáng kể đến nguy cơ vấp ngã của mỗi người.
Hệ thống tiền đình có tác động đáng kể đến nguy cơ vấp ngã của mỗi người.

Sử dụng dữ liệu về các trường hợp tử vong do vấp ngã tại Mỹ, các nhà nghiên cứu ước tính rằng sự suy giảm chức năng hệ thống tiền đình sau tuổi 40 là nguyên nhân gây ra hơn 57,000 ca tử vong mỗi năm tại quốc gia này.

Họ nhận xét: "Những con số này thực sự khiến chúng ta phải xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc hơn. Dân số thế giới đang già đi rất nhanh và nếu tình trạng này còn tiếp tục phát triển thì nó sẽ có khả năng để lại hậu quả khôn lường. Chính vì vậy, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong công tác chẩn đoán và điều trị những bệnh liên quan đến suy giảm chức năng hệ thống tiền đình để giảm thiểu những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra".

Cập nhật: 25/01/2017 Theo vnreview
  • 826