Tàu kéo và máy xúc vẫn đang làm việc cật lực để giải phóng con tàu khổng lồ đang chắn ngang kênh đào Suez. Do con tàu quá lớn, có thể mất vài ngày đến vài tuần để khơi thông kênh.
Ngày 25/3, một công ty cứu hộ tham gia phải phóng tàu container khổng lồ mắc kẹt ở kênh đào Suez cho biết có thể mất vài ngày, hoặc thậm chí vài tuần để giải phóng con tàu, do sức nặng của nó, theo Washington Post.
Hàng chục tàu chở dầu và hàng hóa đi khắp các cảng biển trên thế giới đang ùn tắc tại kênh. Mỗi giờ trôi qua, thiệt hại kinh tế do sự ùn tắc này gây ra lại một tăng.
Vị trí tàu Ever Given mắc kẹt. (Ảnh: CNES).
Tàu Ever Given bắt đầu mắc kẹt tại kênh Suez từ ngày 23/3, sau khi cơn bão cát gần đó gây ra một trận gió lớn. Mũi tàu chạm bờ phía đông của kênh còn đuôi tàu thì ở phía tây. Trong khi đó, kênh Suez chạy theo hướng bắc-nam.
Tám tàu kéo lớn đã được huy động để di chuyển tàu Ever Given. Tuy nhiên, con tàu chiều dài khoảng 400 m và nặng khoảng 200.000 tấn, việc giải phóng nó là một thách thức lớn, cơ quan quản lý kênh đào Suez cho biết vào ngày 25/3.
Ông Bernhard Schulte Shipmanagement, giám đốc kỹ thuật của con tàu, cho biết nỗ lực dịch chuyển con tàu vào lúc 8h sáng 25/3 đã không thành công. Các lực lượng giải cứu phải thử lại nhiều lần nữa trong ngày. Ông cũng thông tin rằng một máy đào chuyên dụng đã đến để hỗ trợ đào đất.
Trước đó, Ai Cập cũng đã gửi một số tàu kéo nhỏ và máy đào đến để khơi thông dòng chảy nhưng thất bại.
Ever Given thuộc sở hữu của công ty Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha, và do công ty vận tải Đài Loan Evergreen điều hành. Con tàu được cho là đang vận chuyển hàng trăm container từ Trung Quốc đến Rotterdam, Hà Lan.
Cũng trong ngày 25/3, công ty Shoei Kisen Kaisha đã xin lỗi về sự cố. Đại diện công ty cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố hết sức để di chuyển con tàu”.
Ngày 24/3, ông Peter Berdowski, giám đốc điều hành của Royal Boskalis Westminster - công ty được chủ sở hữu của Ever Given chỉ định giúp di chuyển con tàu, chia sẻ với đài Nieuwsuur của Hà Lan rằng hoạt động giải phóng con tàu có thể mất vài ngày, thậm chí vài tuần, Washington Post đưa tin.
Ông Berdowski cho biết Ever Given chở khoảng 20.000 container và ví nó như một con cá voi cực nặng.
Một máy xúc đang đào đất chỗ mũi tàu. Chiếc máy xúc trông vô cùng nhỏ so với con tàu. (Ảnh: Suez Canal Authority).
Năm 2016, tàu CSCL Indian Ocean có kích thước tương tự đã bị mắc kẹt ở sông Elbe, gần cảng Hamburg, Đức. 12 tàu kéo đã được huy động và mất khoảng 3 lần thử mới có thể dịch chuyển được CSCL Indian Ocean. Một phần bờ sông cũng đã được nạo vét.
Ông Berdowski cho biết các nhân viên cứu hộ có thể cần phải rút nhiên liệu, tháo nước từ các két dằn và đưa một số container xuống để con tàu nhẹ hơn. Việc nạo vét có thể cần thêm thiết bị, ông nói.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc di chuyển tàu còn phải phụ thuộc vào độ sâu mà nó mắc kẹt. Ông nói: “Con tàu bị mắc kẹt càng sâu, thì càng khó giảm trọng lượng và càng mất nhiều thời gian để giải phóng nó”.
Người quản lý con tàu cho biết con tàu chệch hướng và mắc kẹt do gió mạnh, chứ không phải do hỏng hóc. Theo chủ sở hữu con tàu, 25 thủy thủ của Ever Given đều an toàn. Cho đến nay, không có báo cáo nào về thương tích, ô nhiễm hoặc hư hại hàng hóa.
Theo Washington Post, sự cố kẹt tàu trên kênh thương mại quốc tế huyết mạch có thể gây thiệt hại cho kinh tế, mức độ tùy thuộc vào thời gian mặc kẹt.
Nhiều tàu kéo được huy động để dịch chuyển Ever Given nhưng chúng quá nhỏ so với con tàu bị mắc kẹt. (Ảnh: AP).
Kênh đào Suez dài 190 km, rộng 205 m và sâu 24 m, là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới.
Con kênh xử lý khoảng 10% tổng thương mại toàn cầu. Do nối liền Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kênh Suez giúp tiết kiệm khoảng 10 ngày đường biển cho các tàu chở dầu và hàng hóa từ châu Á đến châu Âu hoặc xa hơn. Trung bình có 50 tàu di chuyển qua kênh Suez mỗi ngày.
Vì vậy, bất kỳ sự cố tắc nghẽn lâu nào cũng có thể gây ra trì trệ nghiêm trọng cho giao thương.
Năm 2015 Ai Cập, quốc gia sở hữu kênh Suez, đã mở thêm một làn đường mới tại một đoạn kênh. Tuy nhiên, Ever Given lại chắn ngang trên một đoạn kênh chỉ có một làn đường, khiến các tàu khác không thể lưu thông.
Ít nhất 13 tàu chở hàng khác đang phải thả neo để chờ đợi, người đứng đầu cơ quan quản lý kênh đào Suez, Trung tướng Osama Rabie, cho biết vào ngày 25/3.