Tại sao lý thuyết 3 não lại ví não người với "não bò sát", "não thú"...

  •  
  • 2.686

Vừa qua, một chương trình truyền hình đã thu hút nhiều sự quan tâm của khán giả khi ví não người với "não thú", "não bò sát" như một trong những cấp độ giải thích khác nhau về hành vi.

Cách so sánh này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí gây ra tranh cãi và làn sóng phản đối dữ dội trên các mạng xã hội.

Tuy nhiên, đây là một lý thuyết có thật về 3 hệ thống của bộ não, có tên tiếng Anh là Thuyết não "Triune", hay "Three Brain theory". Theo đó, một cấu trúc não thông thường được chia thành 3 hệ thống, gồm "não bò sát", "não cảm xúc", và "não hợp lý".

Lý thuyết này lần đầu được Paul MacLean - một bác sỹ tập trung vào lĩnh vực khoa học thần kinh giới thiệu vào năm 1990. Những nghiên cứu của ông về lý thuyết về bộ não ba ngôi được mô phỏng chi tiết trong cuốn sách có tựa đề "Bộ não Triune trong sự tiến hóa".

Não bò sát (Reptilian Brain)

Não bò sát (Reptilian Brain)

Còn được gọi là não bản năng hoặc não cơ bản, đây là bộ não nguyên thủy nhất trong tất cả theo lý thuyết của MacLean.

Theo đó, bộ não bò sát được coi là cấu trúc tổ tiên điều chỉnh các chức năng quan trọng của chúng ta và các hành vi bản năng nhất liên quan đến sự sống còn của cá nhân (như ăn, uống, ngủ...) cũng như giống loài (như quan hệ tình dục, sinh tồn...).

Nói tóm lại, theo tâm lý học, chức năng của não bò sát là hành động nhanh chóng và theo bản năng để đảm bảo sự sống còn của chúng ta.

Não cảm xúc (Limbic System)

Não cảm xúc (Limbic System)

Theo thuyết não Triune, khu vực não cảm xúc xuất hiện với những động vật có vú đầu tiên và phát triển qua những gì chúng ta đã định nghĩa trước đây là bộ não bò sát. Vì vậy, nó còn được ví như "não thú".

Đây được coi là trung tâm của cảm xúc, khi chịu trách nhiệm sản xuất và tạo ra các xúc cảm cơ bản như nghị lực, sinh lực, tình cảm... trong hệ thống thần kinh của chúng ta.

Một đặc điểm đáng chú ý ở khu vực này là có các chức năng rất thích ứng, khi thường xuyên tạo ra các phản ứng cảm xúc và học hỏi ở cấp độ kinh nghiệm. Nói cách khác, hệ thống não bộ liên quan tới bộ nhớ, động lực, phản xạ và sự chú ý của chúng ta có xu hướng hoạt động theo cách hiệu quả hơn khi chúng bị ảnh hưởng bởi cảm xúc.

Thí dụ như người ta thường nhớ đến một sự kiện tốt hơn nếu nó được gắn với một cảm xúc mạnh mẽ (như tới một buổi hòa nhạc yêu thích, hay một quán ăn quen thuộc). Trái ngược với điều này, não lại thường quên đi những câu chuyện, sự kiện, hay con người không tạo ra cho chúng ta phản ứng, cảm xúc mãnh liệt.

Não hợp lý (Cortex Brain)

Não hợp lý (Cortex Brain)

Não hợp lý (hay não cortex) là nơi chịu trách nhiệm xử lý nhận thức và đưa ra các quyết định hợp lý, khi tập trung chủ yếu vào tư duy, sự điều khiển, kiểm soát và kiềm chế.

Bên trong hệ thống não cortex có chứa chất xám, và được hình thành bởi các cấu trúc não khác nhau gồm bán cầu não trái và bán cầu não phải của vỏ não. Về mặt giải phẫu học, các nhà khoa học tìm thấy vùng vỏ não cortex chiếm tới 90% thể tích vỏ não và kéo dài dưới dạng nếp gấp và các mạch.

Theo MacLean, con người là sinh vật duy nhất trên Trái đất đã phát triển đầy đủ phần não này. Nó mang đến cho chúng ta đặc quyền khác với các loài động vật khác nhờ tri thức, logic và đưa ra quyết định hợp lý.

 Nhờ lý thuyết này mà ngày nay chúng ta có thể phát triển một số ngành đặc thù liên quan đến não.
 Nhờ lý thuyết này mà ngày nay chúng ta có thể phát triển một số ngành đặc thù liên quan đến não.

Mặc dù được chia thành các hệ thống rõ ràng với chức năng riêng biệt, song không thể phủ nhận rằng hệ thống thần kinh là một mạng lưới phức tạp của các tế bào thần kinh, nơi chúng hoạt động và liên kết với nhau cực kỳ chặt chẽ.

Giới khoa học cũng nhanh chóng lập luận rằng mô hình được MacLean xây dựng là quá đơn giản để giải thích cho tất cả sự phức tạp của não bộ - nơi duy nhất vẫn còn là một bí ẩn với nhân loại.

Mặc dù vậy, lý thuyết về "bộ ba não" Triune cung cấp những kiến thức rất quan trọng vì liên quan đến các chức năng và hành vi tinh thần cụ thể của con người. Cũng nhờ lý thuyết này mà ngày nay chúng ta có thể phát triển một số ngành đặc thù liên quan đến não như tâm lý học, thần kinh...

Cập nhật: 02/08/2021 Theo Dân Trí
  • 2.686