Tất nhiên là trừ những bức tranh bị ma ám ra nhé.
Bạn hẳn cũng đã đôi lần thấy lạnh tóc gáy bởi cảm giác những bức tranh luôn dõi theo mình. Hiện tượng này giờ đã trở nên phổ biến trong hội họa hiện đại, và cũng đã được lý giải từ khá lâu. Hình ảnh nàng Mona Lisa luôn nhìn theo bạn cùng nụ cười nửa miệng có lẽ sẽ trở nên vô cùng đáng sợ với những ai yếu bóng vía. Nhưng chẳng cần e ngại nữa, bởi câu trả lời sẽ nằm ngay ở bài viết này.
Bức tranh nàng Mona Lisa.
Trước khi đi tìm lời giải thích, hãy thử nghiệm điều này: nhờ một người bạn đứng yên và luôn nhìn thẳng về phía trước. Giờ bạn hãy di chuyển thật chậm rãi xung quanh người bạn đó, đồng thời luôn nhìn thẳng vào mắt họ. Ánh mắt đó có dõi theo bạn không? Câu trả lời là không, và từ đó, chúng ta có thể suy ra hiện tượng này chỉ xảy ra trên các bức ảnh chứ không phải ngoài đời thực.
Phối cảnh tuyến đồ là một khái niệm ra đời khá muộn trong hội họa. Trước khi khái niệm này xuất hiện, các họa sĩ thường sử dụng chiều dài và chiều cao để tạo ra ấn tượng ba chiều cho các tác phẩm của mình. Nhưng chúng chỉ dừng ở mức tương đối, khi chúng ta chỉ có cảm nhận về các yếu tố xa-gần, to-nhỏ. Các tác phẩm cổ đại của người Ai Cập có thể minh họa rõ về sự thiếu hụt yếu tố không gian.
Bóng vật thể có thể giúp chúng ta biết vật thể đó nằm cách xa nguồn sáng bao nhiêu.
Các họa sĩ cũng sử dụng cả ánh sáng và đổ bóng nhằm tạo ấn tượng về chiều sâu. Bóng vật thể có thể giúp chúng ta biết vật thể đó nằm cách xa nguồn sáng bao nhiêu, và bằng cách tận dụng yếu tố này, ấn tượng về chiều sâu càng trở nên rõ nét hơn.
Nhờ vào tuyến đồ phối cảnh và sự tương tác giữa ánh sáng – bóng tối, các họa sĩ đương đại có thể tạo ra những hình ảnh sinh động như thật. Nhưng dù chân thật đến đâu đi nữa, các tác phẩm hội họa cũng không thể vượt quá giới hạn không gian hai chiều. Nói một cách tổng thể, tất cả những hiệu ứng nhằm tạo ấn tượng chiều sâu, đều là các thủ thuật đánh lừa mắt thường. Và không chỉ dừng lại ở chiều sâu, chúng còn tạo ra các ảo ảnh khác, bao gồm cả hiện tượng chính được đề cập đến trong bài viết này.
Tất cả các yếu tố trên bức tranh đều là yếu tố tĩnh.
Vậy đâu là nguyên nhân của hiện tượng này? Hãy nhớ rằng, tất cả các yếu tố trên bức tranh đều là yếu tố tĩnh, có nghĩa là chúng không hề dịch chuyển. Hãy nhớ lại thử nghiệm ở đầu bài, khi bạn quan sát thấy đôi mắt của người bạn không hề đi theo mình, bởi tất cả các yếu tố: ánh sáng, bóng tối và phối cảnh đều THAY ĐỔI. Khi bạn di chuyển ra xa, một số chi tiết sẽ thu nhỏ lại và thay đổi độ sáng.
Nhưng ngược lại, các yếu tố đó trên bức tranh lại không hề thay đổi. Độ sáng, bóng vật thể, phối cảnh – TẤT CẢ mọi thứ. Bởi thế, nếu một bức tranh phác họa một người nhìn trực diện vào bạn, người đó sẽ tiếp tục ánh nhìn đó, dù cho bạn có di chuyển ra xa bức tranh. Cũng như, nếu người đó được phác họa để không nhìn vào bạn, dù cho bạn có di chuyển ra đối diện bức tranh, ánh nhìn vẫn sẽ tránh bạn ra.
Khi bạn di chuyển ra xa, một số chi tiết sẽ thu nhỏ lại và thay đổi độ sáng.
Vào thế kỷ thứ 19, Jules de la Gournerie là người đầu tiên muốn chứng minh hiện tượng này dựa vào các công thức toán học. Nhưng phải đến tận năm 2004, một nhóm các nhà nghiên cứu mới thực sự thành công khi sử dụng thực nghiệm trên một ma-nơ-canh. Bằng cách dựng hình và thiết lập bản đồ các điểm trên chiếc ma-nơ-canh tại các góc quan sát khác nhau, họ nhận thấy rằng, tập hợp vị trí các điểm đó không hề thay đổi, nếu vị trí ban đầu của chúng được cố định trên máy tính. Đó cũng chính là quy tắc được các họa sĩ áp dụng trên các bức tranh nhằm tạo ra những ấn tượng hết sức sinh động.
Xét cho cùng, nếu bạn được quyền nhìn ngắm một người phụ nữ trong tranh, hà cớ gì cô ta không được nhìn lại bạn?