Tại sao trời lạnh lại thèm ăn và ăn ngon miệng hơn?

  •  
  • 2.254

Nếu cái lạnh mùa đông đang khiến bạn mở tủ lạnh kiếm đồ ăn, đừng tự trách mình - não của bạn đang muốn tìm kiếm calo.

Mặc dù việc kiểm soát cơn đói của cơ thể rất phức tạp và chưa được hiểu đầy đủ, nhưng có hai loại hormone chính kiểm soát sự thèm ăn - leptin và ghrelin.

Nếu bụng rỗng và lượng mỡ trong cơ thể giảm xuống, các tế bào dạ dày sẽ kích hoạt giải phóng ghrelin, gây ra cảm giác đói. Nhưng khi chúng ta ăn, leptin được giải phóng từ các tế bào mỡ nằm trong ruột và ruột kết. Leptin sau đó di chuyển qua máu đến não, để ngăn chặn sự thèm ăn và truyền đạt thông tin về những gì đã ăn và khi nào.

Một nghiên cứu năm 2000 được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Béo phì cho thấy những con chuột được cung cấp leptin ăn ít hơn, nhưng hai tuần sau đó cơ thể chúng đã tạo ra chất kháng lại hormone này, làm giảm hiệu quả của nó.

Cơ thể điều chỉnh và cân bằng năng lượng nạp vào giống như một máy điều nhiệt.
Cơ thể điều chỉnh và cân bằng năng lượng nạp vào giống như một máy điều nhiệt.

Ở người, càng có nhiều chất béo, lượng leptin trong máu càng nhiều và các nhà khoa học cho rằng những người béo phì cũng hình thành chất đề kháng với hormone này, khiến bộ não không được nhận thông tin đầy đủ, không ngăn được cơn thèm ăn.

Mức độ leptin trong máu sẽ điều khiển cảm giác thèm ăn của bạn

Thực phẩm giàu chất béo chứa đầy năng lượng, có thể khiến mọi người ăn quá nhiều bằng cách đánh lừa não khiến não nghĩ rằng đã tiêu thụ ít calo hơn.

Nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của Đại học Tây Úc, Tiến sĩ David Lawrence cho biết, cơ thể điều chỉnh và cân bằng năng lượng nạp vào giống như một máy điều nhiệt.

Ông nói: "Khi chúng ta tăng cường hoạt động thể chất, nó sẽ kích thích chúng ta muốn ăn nhiều hơn. Khi chúng ta cắt giảm năng lượng nạp vào, chẳng hạn nếu chúng ta bỏ bữa, chúng ta có thể cảm thấy mệt mỏi và uể oải hơn do cơ thể giảm tiêu hao năng lượng. Trong những tháng lạnh giá, bạn có thể cảm thấy đói hơn vì cơ thể cần đốt cháy nhiều năng lượng hơn để giữ nhiệt độ tăng lên", Tiến sĩ Lawrence nói.

Một cách cơ thể phản ứng để giữ cân bằng nội môi, cân bằng năng lượng sẽ là kích thích cảm giác đói.

Mọi người tin rằng họ tăng cân vì ăn quá nhiều hoặc không tập thể dục, nhưng trẻ em là một ví dụ điển hình về việc đó không phải là một mô hình chính xác về cách cơ thể xử lý thức ăn và năng lượng, Tiến sĩ Lawrence nói.

"Trẻ em không tăng trưởng đột biến vì chúng ăn nhiều hơn vào một ngày cụ thể. Sự phát triển của chúng được điều chỉnh bằng nội tiết tố bởi một thứ được lập trình trong DNA của chúng."

Insulin và serotonin cũng ảnh hưởng đến sự thèm ăn

Trong khi insulin là chìa khóa để cho cơ thể biết cách sử dụng đường, gắn vào các tế bào để cơ thể hấp thụ đường, serotonin khiến chúng ta cảm thấy hài lòng với thức ăn.

Mùa đông tiết trời lạnh, mỗi khi vận động cơ thể sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng. Cơ thể sẽ đòi hỏi phải bù đắp năng lượng thiếu hụt để duy trì thể lực cũng như giữ ấm nên thường có cảm giác nhanh đói. Để chống lại cái lạnh của mùa đông, cơ thể sẽ tự điều chỉnh cơ chế chuyển đổi chất béo thành đường một cách nhanh nhất, gia tăng tốc độ trao đổi chất để cơ thể sản sinh nhanh nhiệt lượng, vì thế mà chúng ta cũng cảm thấy thèm ăn hơn.

Để chống lại cái lạnh của mùa đông, cơ thể sẽ tự điều chỉnh cơ chế chuyển đổi chất béo thành đường.
Để chống lại cái lạnh của mùa đông, cơ thể sẽ tự điều chỉnh cơ chế chuyển đổi chất béo thành đường.

Sự tác động của hormone melatonin gây buồn ngủ đồng thời cũng là hormone gây thèm ăn

Vào mùa xuân và hè hormone melatonin giảm, trong khi đó chúng lại tăng đáng kể vào mùa đông. Điều này cũng giải thích nguyên nhân của hội chứng "ngủ nướng" vào mùa đông.

Dopamine - cảm giác thoả mãn khi được ăn ngon

Vào mùa đông, chúng ta cũng thường có xu hướng thích ăn các đồ ăn nóng sốt hơn, đây cũng không phải hoàn toàn do cảm tính như chúng ta vẫn nghĩ, mà đó còn là do khi cảm thấy lạnh, quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm hơn nên chúng ta thường chọn ăn những thực phẩm ấm nóng để lại ấm lại mình, tăng nhiệt độ cơ thể. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, khi ăn thực phẩm nóng như lẩu có thêm vị cay của ớt hoặc sa tế thì cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều dopamine - một chất dẫn truyền thần kinh được tổng hợp ở não khiến bạn thấy sung sướng, hạnh phúc hơn.

Ăn uống thế nào trong mùa đông để giữ sức khỏe và duy trì cân nặng?

Thay vì những món ăn giàu carbohydrate và nhiều chất béo, bạn hãy tìm đến những món giàu protein và chất xơ bởi cả hai chất dinh dưỡng này đều giúp chúng ta cảm thấy hài lòng sau khi ăn và có thể giữ cơn đói lâu hơn. Các chuyên gia dinh dưỡng đề xuất món ăn làm từ các loại đậu để cung cấp protein và chất xơ từ thực vật, cộng thêm một số protein nạc như thịt gà hoặc thịt bò.

Việc ăn nhiều thực phẩm giàu carb hơn vào mùa đông cũng là điều tự nhiên, vì carb giúp chúng ta tăng cường năng lượng và có thể giúp chống lại cảm giác mùa đông uể oải đó. Nếu bạn thèm ăn carb, hãy sử dụng ngũ cốc nguyên hạt. Bạn cũng nên ăn khoai tây và khoai lang, những thực phẩm có cảm giác ngon miệng nhưng chứa nhiều chất xơ và chất dinh dưỡng.

Bằng cách thêm nhiều rau vào chế độ ăn uống của mình, bạn có thể ăn nhiều thức ăn hơn để thỏa mãn cơn đói mà không bị tiêu hao quá nhiều calo. Luôn ăn nhiều loại trái cây và rau với các màu sắc khác nhau để cung cấp các chất dinh dưỡng khác nhau, chúng không chỉ giúp bạn thỏa mãn mà còn giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn đủ khỏe mạnh để chống lại cảm lạnh mùa đông. Ngoài ra, hãy nhớ luôn vận động cơ thể, tập thể dục thường xuyên.

Cập nhật: 14/12/2024 Theo vnreview
  • 2.254