Tấm bia cổ nhất Việt Nam giữa đống tàn tích, chuyên gia Pháp cũng đau đầu khi "giải mật"

  •  
  • 1.738

Bia ký Võ Cạnh được xem là tấm bia cổ nhất Việt Nam, có niên đại từ rất sớm (khoảng thế kỷ III – IV). Tấm bia ký Võ Cạnh này được đánh giá là một nguồn sử liệu quý báu về vương quốc cổ Champa, đồng thời đây cũng là tấm bia cổ nhất ở vùng Đông Nam Á được tìm thấy cho tới nay.

Điều đặc biệt là bài minh văn khắc trên bia vẫn chưa được giải mã – đây là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Bảo vật giữa đống tàn tích


Bia Võ Cạnh – Tấm bia cổ nhất Việt Nam. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Bia Võ Cạnh được phát hiện ở một khu tàn tích bằng gạch tại làng Võ Cạnh (xã Vĩnh Trung, huyện Diên Khánh, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Một thời gian sau, tấm bia này được Viện Viễn Đông Bác cổ đưa về Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) vào năm 1910.

Niên đại chính xác của bia Võ Cạnh vẫn là sự tranh luận lớn cho đến ngày nay.

Ông A.Bergaigne - người đầu tiên nghiên cứu về bia Võ Cạnh trong giai đoạn 1888 đến 1893, cho rằng bia có nguồn gốc từ Nam Ấn (L’Inde du Sud). Ông lý giải rằng chữ viết trên bia rất giống với văn tự Satakarni Vasisthiputra ở Kanheri và bia ký ở Godavari thuộc miền Nam Ấn Độ, có niên đại khoảng thế kỷ II – III. Như vậy theo quan điểm của Bergaigne bia Võ Cạnh có niên đại vào khoảng thế kỷ II đến III.


Bản dập của minh văn Bia Võ Cạnh. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Nhưng nhà nghiên cứu G. Buhler thì lại cho rằng bia Võ Cạnh mang ảnh hưởng của nhiều loại văn tự khác nhau, kéo dài từ thế kỷ I – IV.

Mặt A của bia Võ Cạnh dựa vào bia ký Rudradama ở Girnar có niên đại khoảng thế kỷ I, nhưng mặt B thì lại giống với bia Satavahanas ở Nasik và Vanheri có niên đại khoảng thế kỷ II và III, còn mặt C thì có nét tương đồng với chữ của vương triều Iksvaku ở Amaravati vào khoảng thế kỷ III và mặt D thì giống các bia ký của vua Vijayabuddhavarman và Sivaskandavarman ở Tamil Nadu có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV.

Ngoài ra còn một số quan điểm khác của các nhà nghiên cứu như: Sircar, Coedes, Kalyan Kumar Sarkar, M. K. Bhattachary... tranh luận về niên đại của bia Võ Cạnh.

Tuy nhiên, theo Bảo tàng lịch sử Quốc gia đã tạm xác định niên đại của bia Võ Cạnh là khoảng thế kỷ III – IV.

Bài minh văn với nội dung bí ẩn

Bia Võ Cạnh là một khối đá tự nhiên hình trụ, được xác định là đá cát, tạo tác 4 mặt với chiều cao là 270cm, rộng 110cm và dày 80cm. Trên tấm bia có 15 dòng chữ, mỗi dòng cao khoảng 4cm. Các dòng đều được khắc liền từ mặt này tới mặt kia, trong đó có hai câu được xác định là viết theo thể thơ Vasantatilaka, còn lại là văn xuôi.

Giá trị của bia còn được thể hiện qua bài minh văn khắc trên bia. Theo nghiên cứu của ông Louis Finot, phần bài minh được viết bằng văn vần, niêm luật theo lối thơ vasantalilaka. Đặc điểm của thể thơ này nằm ở những chỗ sang dòng ở dòng thứ 8, 9, 10, 11 là đánh dấu sự chấm dứt một nửa của câu. Nhà nghiên cứu Claude Jacques cho rằng có những đoạn trong bài minh văn được viết bằng văn xuôi, có những đoạn được viết theo niêm luật thơ cổ sardulavukridita.

Tuy nhiên vì bia có niên đại từ rất lâu nên hiện trạng không còn được nguyên vẹn, đã bị mòn, chữ bị mờ rất khó đọc và có nhiều vết sứt trên bia. Chính vì vậy, nội dung chính xác của bài minh văn trên bia Võ Cạnh vẫn chưa được dịch nghĩa đầy đủ.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nội dung khái quát của bài minh văn dựa theo những ghi chép về văn khắc của Louis Finot, trong "Études épigraphiques sur le pays Cham", năm 1995 của tác giả Claude Jacques.

Nội dung này đã được Cục Di sản Văn hoá dịch lại như sau: "Ý tưởng về sự ổn định, đến rồi đi, ở thế giới này, lòng khoan dung đối với con người. Sự hy sinh vì lợi ích của người khác, tất cả những nét đó làm nổi bật sự phóng khoáng ở Cri-Mara, xuất phát từ một thần cảm Phật giáo rõ nét khiến người ta thoát khỏi ý nghĩ rằng vị thủ lĩnh này rao giảng học thuyết về sự khoan dung độ lượng. Những vị thủ lĩnh Braman đã làm rất nhiều cho những khu đền. Họ không bao giờ có những suy nghĩ đã chu cấp đầy đủ nhu cầu cho gia đình họ. Thừa nhận việc sở hữu số dư thừa trong tài sản của con người nói chung. Tinh thần của Acoka đã trở lại như trong chỉ dụ này. Nó cũng không tồn tại đến thời kỳ ban bố trước hội đồng trong những đêm trăng tròn, đây là một trong hai lễ hội hàng tháng của tín đồ Phật giáo."

Dựa vào nội dung đã dịch được của bài minh văn, các nhà nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Cục Di sản Văn hoá đã cho biết: Sri Mara là người đã sáng lập triều đại đầu tiên của tiểu quốc Nam Chăm, thủ phủ đóng tại vùng Panduranga (vùng Phan Rang, Ninh Thuận ngày nay), còn tiểu quốc Bắc Chăm thì thủ phủ ở Simhapura (Trà Kiệu, Quảng Nam ngày nay).

Sau đó, vào khoảng thế kỷ VII, hai tiểu quốc này hợp thành vương quốc Chăm Pa, Simhapura được chọn làm kinh đô. Tấm bia đã cho biết ảnh hưởng mạnh mẽ của văn minh Ấn Độ cũng như vai trò của giới tăng lữ ở tiểu quốc này.

Còn đó những ẩn số


Bia Võ Cạnh là vật chứng cổ nhất Đông Nam Á nói về sự du nhập của Phật giáo. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)

Bia Võ Cạnh được xem là tấm bia cổ nhất còn lại của Vương quốc Champa, là bằng chứng lịch sử cho thấy sự du nhập của Phật giáo và chữ Phạn tới người dân Champa. Đồng thời bài minh văn còn thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Ấn Độ và văn hoá Phật giáo tới Champa từ rất sớm.

Cho tới nay chưa tìm được một văn tự nào tại Đông Nam Á có cùng niên đại với bài minh văn trên bia Võ Cạnh nên bài minh văn này được đánh giá là cổ nhất.

Bia có giá trị lịch sử vô cùng lớn, là nguồn sử liệu quý giá cho giới nghiên cứu về văn hoá Champa thời kỳ sơ khai. Thể hiện sự độc đáo của ngôn ngữ cổ Champa, bia còn cho biết nhiều thông tin có giá trị về lịch sử Vương triều Tiền vương quốc Nam Chăm. Cho đến nay vẫn cần thêm thời gian nghiên cứu để xác định tác giả, niên đại chính xác của bia và nội dung hoàn chỉnh của bài minh văn trên bia.

Sự bí ẩn của bài minh văn luôn là tâm điểm của sự tò mò và khám phá của công chúng và các nhà nghiên cứu.

Với giá trị lịch sử, văn hoá vô cùng to lớn bia Võ Cạnh đã được công nhận là Bảo vật quốc gia theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cập nhật: 30/04/2022 Theo Pháp luật&bạn đọc
  • 1.738