Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) đưa ra ý tưởng trang bị cho các tàu vũ trụ và phi hành gia một lá chắn từ trường siêu dẫn để bảo vệ khỏi các bức xạ chết người trong vũ trụ.
Bức xạ vũ trụ là các chùm hạt mang điện có tốc độ và trọng trường lớn, tới từ khắp mọi hướng trong không gian. Các nghiên cứu gần đây trên chuột cho thấy phơi nhiễm với các bức xạ này sẽ làm tổn thương não và suy giảm chức năng nhận thức.
Phi hành gia ISS làm việc ngoài không gian. (Ảnh: NASA)
Sự sống trên Trái Đất tồn tại được là nhờ từ trường che chắn khỏi các bức xạ này. Với các phi hành gia làm việc ngoài không gian và trên các hành tinh không có từ trường như sao Hỏa sẽ không có được sự bảo vệ này. Họ sẽ có nguy cơ bị tổn thương não và mắc nhiều loại ung thư. Công cuộc khám phá không gian của loài người cũng vì thế mà bị hạn chế.
Một nhóm các nhà khoa học từ CERN mới đây cho biết họ đang thử nghiệm một hợp chất siêu dẫn có tên magnesium diboride để tạo ra một từ trường nhân tạo che chắn cho tàu vũ trụ. Đây là dự án "Lá chắn bức xạ không gian siêu dẫn" (SR2S) do Liên minh châu Âu tài trợ.
"Nếu mẫu thử nghiệm thành công, chúng tôi sẽ có cơ sở quan trọng để tin vào tính khả thi của lá chắn từ trường siêu dẫn cho tàu vũ trụ," Amalia Ballarino, một nhà khoa học đang làm việc trong dự án cho biết.
Siêu dẫn là các chất dẫn điện không có điện trở ở nhiệt độ thấp, dòng điện có thể chạy vĩnh viễn trong chất siêu dẫn mà không tiêu hao năng lượng. Hơn nữa, do tất cả các hạt mang điện khi chuyển động đều sinh ra từ trường, nên có thể lợi dụng tính chất này để tạo ra một từ quyển nhân tạo, che chắn cho tàu vũ trụ khỏi các bức xạ có hại.