Các nhà khoa học thuộc ĐH York (Anh) vừa khởi động một dự án nghiên cứu: tìm cách tạo xương từ máu cuống rốn để điều trị dị tật xương và gẫy xương.
Trích máu từ cuống rốn (Ảnh: VNN) |
Theo TS Paul Genever, điều phối viên dự án, các tế bào gốc trong máu cuống rốn dường như tương tự tế bào gốc ở tuỷ xương. Tuy nhiên, khó xác định được các những tế bào gốc này. Mục tiêu của dự án là phân lập và nhân chúng lên để có đủ tế bào dùng cho điều trị.
Ngoài ra, dự án còn so sánh tế bào gốc từ máu cuống rốn với tế bào gốc tuỷ xương và tế bào gốc phôi thai. Một phần nữa là nghiên cứu làm thế nào để có thể biến những tế bào này thành xương.
Nếu việc tạo các cấu trúc xương từ tế bào gốc thành công, nó có thể được sử dụng để điều trị dị tật xương và gãy xương. Cuối cùng, những cấu trúc xương được tạo ra bằng cách đó có thể được dùng để tạo xương hông bền vững hơn trong cấy ghép.
Được biết hiện có khoảng 2 triệu đơn vị máu cuống rốn được lưu giữ ở châu Âu.
Không chỉ có vậy, nhiều chuyên gia sẽ đánh giá nghiên cứu về mặt đạo đức, trong đó có việc đảm bảo rằng nghiên cứu được tiến hành theo tiêu chuẩn cao nhất.
Minh Sơn (Theo Science Technology)