|
Tàu thăm dò sao Hỏa MRO |
Tàu vũ trụ thăm dò sao Hỏa của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), được phóng lên từ tháng 8-2005, đã vượt qua nửa hành trình gần 500 triệu km lên hành tinh Đỏ và đã bắt đầu gửi các dữ liệu liên quan đến hành tinh này về Trái đất với tốc độ 6 mêgabít/giây.
Các nhà khoa học NASA cho biết tàu vũ trụ trên, nặng 2 tấn và được trang bị những thiết bị khoa học tiên tiến nhất, sẽ đến quỹ đạo quanh sao Hỏa vào tháng 3-2006. Tàu vũ trụ này cùng với 2 tàu vũ trụ hiện đang bay quanh sao Hỏa sẽ trở thành bộ ba tàu vũ trụ nghiên cứu sao Hỏa.
Sao Hoả có chu vi lớn gấp 1,52 lần Trái Đất và là hành tinh thứ tư gần Mặt trời trong Hệ Mặt trời. Sao Hỏa giống Trái Đất về nhiều điểm như thời tiết có bốn mùa, hai cực có băng đá, một bầu khí quyển có mây, gió, bão cát, một ngày dài độ 24 giờ... Do sự có mặt của một khí quyển tương đối dầy nên nhiều người tin là có thể có sự sống ở sao Hoả. Trên sao Hoả còn có sự hiện diện của nhiều lòng sông khô nên nhiều nhà khoa học chắc chắn rằng trong quá khứ đã có một thời nước chảy trên bề mặt của sao Hỏa. Sao Hỏa có hai vệ tinh tự nhiên là Diemos và Phobos. (Theo Wikipedia) |
Các thiết bị khoa học trên tàu thám hiểm mới có nhiệm vụ tiếp tục tìm kiếm các bằng chứng về sự tồn tại của nước trên sao Hỏa, chụp ảnh các vị trí dự kiến sẽ là địa điểm đổ bộ sắp tới của các rôbốt và chuyển tiếp các thông tin từ các tàu thám hiểm khác về Trái đất.
NASA hy vọng nhờ thiết bị chụp ảnh từ xa mới, các nhà khoa học sẽ có được những hình ảnh rõ nét nhất về bề mặt màu gỉ sắt của hành tinh Đỏ, giúp nghiên cứu chi tiết về hành tinh này. Cho đến nay chỉ 2% trong số hàng chục nghìn bức ảnh được các tàu thám hiểm trước đó chụp bề mặt sao Hỏa được coi là có độ trung thực cao.
Theo thiết kế, tàu thám hiểm sao Hỏa mới này sẽ hoạt động đến năm 2010. Tuy nhiên, các nhà khoa học NASA nói rằng nhiên liệu trên tàu có thể kéo dài thời gian hoạt động của tàu đến năm 2014.