Tên lửa nhiên liệu rắn của Trung Quốc lần đầu phóng thành công

  •  
  • 63

Tên lửa Kuaizhou 11 bay lên từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền, sa mạc Gobi, lúc 8h15 ngày 7/12 (giờ Hà Nội), đưa vệ tinh lên quỹ đạo.


(Video: Space)

Sau vụ phóng, vệ tinh thử nghiệm của Hệ thống Trao đổi Dữ liệu VHF (VDES) được Đội Phòng thủ Không gian số 18 của Lực lượng Vũ trụ Mỹ phát hiện trên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời (SSO) cao khoảng 745 km. Vệ tinh này được sử dụng chủ yếu cho mục đích thử nghiệm liên lạc và xác minh các công nghệ quan trọng của VDES cũng như hệ thống nhận dạng tự động (AIS).

Kuaizhou 11 do Expace, công ty con của Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), vận hành. Mẫu tên lửa nhiên liệu rắn này được phát triển từ năm 2015. Vụ phóng hôm 7/12 là lần đầu tiên Kuaizhou 11 phóng thành công. Vụ phóng thử nghiệm đầu tiên diễn ra vào tháng 7/2020 nhưng thất bại.

Tên lửa Kuaizhou 11 có thể chở 1.000kg hàng hóa lên quỹ đạo đồng bộ Mặt trời hoặc 1.500kg lên quỹ đạo Trái Đất thấp, mạnh gấp 5 lần tên lửa Kuaizhou 1A - một tên lửa nhiên liệu rắn nhỏ hơn.

Tên lửa Kuaizhou 11 mang theo vệ tinh thử nghiệm bay lên quỹ đạo hôm 7/12. 
Tên lửa Kuaizhou 11 mang theo vệ tinh thử nghiệm bay lên quỹ đạo hôm 7/12.

Kuaizhou nghĩa là "con tàu nhanh" trong tiếng Trung. Dòng tên lửa nhiên liệu rắn này mất chưa đến 4 tiếng để vận chuyển từ tòa nhà lắp ráp đến bãi phóng. Đầu tháng 11 năm nay, bộ đôi tên lửa khổng lồ và tàu vũ trụ trong nhiệm vụ Mặt trăng Artemis I của NASA mất 8,5 tiếng để di chuyển quãng đường dài 6,4 km từ Tòa nhà Lắp ráp Phương tiện (VAB) tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy đến bệ phóng 39 B.

Nhiệm vụ hôm 7/12 là vụ phóng thứ 57 của Trung Quốc trong năm 2022, hầu hết do Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASC) thực hiện, bao gồm một số nhiệm vụ tới trạm vũ trụ Thiên Cung.

Cập nhật: 09/12/2022 VnExpress
  • 63