Thai nhi và trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các chất ô nhiễm

  •  
  • 607

Thai nhi và trẻ sơ sinh rất nhạy cảm với các hóa chất có mặt trong môi trường. Việc tiếp xúc thậm chí từ trong bụng mẹ với các chất có mặt trong các vật liệu bằng nhựa dẻo hay thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ xuất hiện bệnh ung thư, dị tật và tổn thương não. Đó là khẳng định của 200 chuyên gia tập trung tại Hội nghị Y tế thế giới lần thứ 60 do WHO tổ chức.

(Ảnh: HTV)Chủ tịch hội nghị, nhà nghiên cứu Philippe Granjean thuộc Trường Đại học Y tế cộng đồng Harvard (Mỹ) giải thích rằng, nếu tiếp xúc với các chất này, trẻ sơ sinh sẽ có một não bộ, lá phổi hay hệ miễn dịch kém hoàn chỉnh. Một số hậu quả có thể không đáng kể, ví dụ chỉ số thông minh (IQ) thấp hơn vài điểm. Nhưng nếu trẻ tiếp xúc nhiều lần, các hậu quả có thể nghiêm trọng hơn đối với cá nhân và xã hội.

Ví dụ như việc tiếp xúc thậm chí ở nồng độ thập với chất bispherol A, một thành phần có mặt trong chất liệu bằng nhựa dẻo làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Tiếp xúc từ trong bụng mẹ với chất vinclozolin, thuốc diệt nấm cũng gây nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Tương tự như thuốc trừ sâu DDT hiện nay bị cấm nhưng vẫn còn sử dụng tại châu Phi để diệt muỗi gây sốt rét.

Theo các nhà nghiên cứu, vấn đề là chính phủ các nước có khuynh hướng không công nhận những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến một số hóa chất. Ví dụ như tại châu Âu và Mỹ, người ta vẫn còn xem chất bisphenol A với nồng độ thấp không gây nguy hiểm. Tại Mỹ, năm ngoái Bộ Nông nghiệp đã phê chuẩn việc sử dụng chất vinclozolin trong những điều kiện chặt chẽ.

Nhà nghiên cứu Granjean cũng nhắc nhở rằng, hít khói thuốc là trong thời gian mang thai được biết từ lâu là có thể gây hậu quả đối với sự phát triển của bào thai. Các nghiên cứu đã từng cung cấp một danh sách chính xác về các nguy cơ liên quan đến chứng nhiễm độc thuốc lá thụ động này.

Theo Đài TH Tp. Hồ Chí Minh
  • 607