Thảm họa có thể từng đẩy con người tới bờ vực tuyệt chủng

  •  
  • 284

Vụ phun trào siêu núi lửa Toba xảy ra khoảng 74.000 năm trước được cho là một trong những sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử địa chất của Trái đất.

Có một giả thuyết cho rằng dân số trên Trái đất từng giảm xuống chỉ còn vài nghìn cá thể sau khi một siêu núi lửa phun trào dữ dội trên đảo Sumatra, Indonesia. Điều đó khiến con người, trong một giai đoạn lịch sử ngắn, trở thành loài có nguy cơ tuyệt chủng.

Núi lửa phun trào
Minh họa núi lửa phun trào. (Ảnh: Solarseven)

Giả thuyết này củng cố cho khả năng toàn bộ nhân loại có quan hệ họ hàng gần hơn nhiều. Những người ủng hộ gọi đây là giả thuyết Thảm họa Toba.

Nghiên cứu địa chất Trái đất cũng chỉ ra, một siêu núi lửa đã phun trào gần hồ Toba, Indonesia, khoảng 74.000 năm trước. Trong khi đó, người Homo sapiens hiện đại tiến hóa 200.000 năm trước và lịch sử được ghi chép chỉ mới bắt đầu cách đây khoảng 6.000 năm.

Được miêu tả là "vụ phun trào mạnh nhất lịch sử loài người", thảm họa núi lửa Toba đã phun một lượng lớn bụi và mảnh vụn vào khí quyển Trái đất, khiến bầu trời bị bao phủ bởi lớp bồ hóng dày che khuất Mặt Trời.

Quy mô của "mùa đông núi lửa" này hiện vẫn gây tranh cãi, nhưng một số nhà khoa học cho rằng tro núi lửa có thể đã làm giảm nhiệt độ toàn cầu tới 5 độ C trong vài năm. Ở khu vực xung quanh Toba, nhiệt độ có thể giảm đến 15 độ C. Các ước tính khiêm tốn hơn cho thấy mức giảm là khoảng 1 độ C.

Trong khi đó, nghiên cứu về biến đổi khí hậu thời hiện đại cho thấy, mức thay đổi chỉ 0,5 độ C cũng có thể tác động mạnh đến Trái đất và các sinh vật sống. Thế giới tự nhiên có thể bị đảo lộn, thực vật không thể phát triển và động vật diệt vong.

Cảnh tượng yên bình ở hồ Toba ngày nay.
Cảnh tượng yên bình ở hồ Toba ngày nay. (Ảnh: Franshendrik Tambunan).

Sau vụ phun trào siêu núi lửa Toba, một sự kiện bí ẩn khác cũng xảy ra. Bằng chứng cho thấy, khoảng 70.000 năm trước, loài người trải qua một "nút thắt cổ chai di truyền" - dân số toàn cầu đột ngột giảm mạnh. Theo nghiên cứu của giáo sư sinh học Michael R. Rampino tại Đại học New York, thậm chí có thể chỉ 3.000 - 10.000 người trong độ tuổi sinh sản còn sống trên Trái đất.

Tuy nhiên, nhiều người không ủng hộ giả thuyết Thảm họa Toba. Năm 2013, các nhà khoa học nghiên cứu trầm tích ở Đông Phi, cách núi lửa hàng nghìn km, và lập luận rằng không có nhiều dấu vết tro bụi và rất ít bằng chứng về sự thay đổi nhiệt độ đáng kể ở đây.

"Vụ phun trào chắc chắn gây ra một số tác động ngắn hạn, có thể trong vài mùa, nhưng có vẻ không khiến khí hậu chuyển sang chế độ mới", Christine Lane, tiến sĩ tại Trường Khảo cổ thuộc Đại học Oxford, tác giả chính của nghiên cứu năm 2013, cho biết.

Dù có nhiều nghi vấn xung quanh giả thuyết Thảm họa Toba, nguyên nhân dân số thế giới sụt giảm rõ ràng vào thời kỳ này vẫn còn là bí ẩn. Nhưng dù nguyên nhân là gì, sự phục hồi của con người cũng rất mạnh mẽ. Các nghiên cứu di truyền cho thấy, dân số bùng nổ khoảng 50.000 năm trước. Nhiều bằng chứng chỉ ra, con người vươn ra khắp lục địa Á-Âu và phát triển công nghệ nhanh chóng.

40.000 năm qua, loài người bắt đầu thực sự phát triển mạnh. Những tiến bộ trong công nghệ và các tác phẩm nghệ thuật cho thấy khả năng nhận thức của con người tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian này, mở đường cho sự ra đời của nông nghiệp và các nền văn minh. Ngày nay, dân số thế giới ở mức khoảng 8 tỷ.

Cập nhật: 20/03/2023 VNE
  • 284