Tham vọng "điên rồ" của Elon Musk và Jeff Bezos

  •  
  • 1.582

Hai tỷ phú Mỹ đầu tư nhiều nguồn lực để theo đuổi giấc mơ đưa người lên không gian, dù nhiều chuyên gia cho rằng việc này quá điên rồ.

Khi còn là đứa trẻ, Elon Musk mê truyện tranh và tiểu thuyết viễn tưởng. Ông cũng mơ về những thế giới trong ảo mộng. Tỷ phú ngành công nghệ giờ đây sắp chạm tới giấc mơ đặt chân đến một trong những thế giới đó.

Musk tập trung vào ước mơ chinh phục không gian cách đây 20 năm, khi lướt trang web của NASA. Ông nhận thấy không có thời gian biểu cho nhiệm vụ đưa người lên sao Hỏa. Tỷ phú Mỹ sau này gọi đó là "sự thiếu tầm nhìn gây sốc".

Musk vào đầu những năm 2000, đã là một triệu phú sau khi bán startup Zip2 cho Compaq với giá gần 300 triệu USD và đang xây dựng PayPal - doanh nghiệp sau này mang về 1,5 tỷ USD khi được chuyển cho eBay. Ông thu về 160 triệu USD trong thương vụ PayPal và dùng số tiền đó để thành lập SpaceX năm 2002. Musk cũng rời Thung lũng Silicon để tới Los Angeles tiếp cận ngành công nghiệp hàng không và hướng tầm nhìn đến vũ trụ.


Bezos và Musk đang thúc đẩy thám hiểm không gian. (Ảnh: New York Post).

"Những người như Musk gần giống các thợ xây nhà thờ hồi trung cổ, những người sẵn sàng đầu tư thời gian và sinh kế vào các dự án kéo dài cả trăm năm", Fred Nadis, tác giả sách Star Settlers: The Billionaires, Geniuses, and Crazed Visionaries Out to Conquer the Universe (Người định cư trên các vì sao: Những tỷ phú, thiên tài và kẻ điên rồ đang chinh phục vũ trụ) nói. Ông cho rằng những tỷ phú này đang ôm giấc mộng quá lớn.

Musk từng nói mọi lĩnh vực đầu tư của ông chỉ nhằm mục đích tạo nguồn vốn cho niềm đam mê thực sự là đưa người lên sinh sống ở sao Hỏa. Công ty SpaceX của ông đang đặt mục tiêu đưa người lên hành tinh đỏ vào năm 2024, cũng như hướng tới tham vọng phóng tên lửa tái sử dụng hai năm một lần và chở được 200 người một lần, nhằm xây dựng nơi sinh sống dài hạn cho một triệu người trên không gian.

Hiện chưa rõ làm thế nào họ sẽ sinh tồn được trong môi trường khắc nghiệt của vũ trụ.

Ở thời điểm gần nhau nhất, Trái đất và sao Hỏa vẫn nằm cách nhau 56 triệu km và chuyến bay tới hành tinh đỏ sẽ mất khoảng 9 tháng. Khi đặt chân lên sao Hỏa, các nhà thám hiểm cũng đối mặt hàng loạt vấn đề, như khí quyển mỏng hơn Trái đất nhiều lần và không có từ quyển, khiến bề mặt hành tinh phải hứng chịu nhiều loại bức xạ và tia vũ trụ gây hại cho con người.

"Đó sẽ là thử thách rất lớn, không đơn giản như những gì SpaceX đang nói tới", Nadis nhận xét.

Musk đưa ra một số chi tiết sơ sài về cuộc sống trên sao Hỏa, trong đó khẳng định các khu định cư phải có khả năng tự cung tự cấp, không dựa vào nguồn tiếp tế từ Trái đất. Ông cho rằng lương thực có thể được trồng ở những nông trại thủy canh dưới lòng đất hoặc trong những cấu trúc khép kín để ngăn bức xạ.

Tuy nhiên, bề mặt sao Hỏa chỉ tiếp nhận được nửa lượng ánh sáng Mặt trời như ở Trái đất, khiến các loại cây lương thực phải được hỗ trợ bằng ánh sáng nhân tạo, đòi hỏi nguồn năng lượng không nhỏ. Musk cho biết các nông trại sẽ được cấp điện từ pin Mặt trời, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.

Tỷ phú Mỹ cho rằng các nhà thám hiểm có thể sống dưới một vòm thủy tinh cho tới khi môi trường trên sao Hỏa được điều chỉnh phù hợp với con người, tương đồng với trên Trái đất. Kế hoạch này bị coi là khó khả thi, khi một nghiên cứu do NASA tài trợ năm 2018 cho thấy nỗ lực chỉnh sửa môi trường sao Hỏa không thể thành công do không đủ CO2 trong đất đá để giải phóng vào khí quyển.

Điều này không làm Musk chùn bước. Ông từng đề xuất cho nổ 10.000 tên lửa hạt nhân trên bề mặt hành tinh đỏ để làm tan những lớp băng và giải phóng CO2. Công ty của ông thậm chí còn xuất xưởng những chiếc áo với dòng chữ "Nuke Mars" (Nổ bom hạt nhân trên sao Hỏa).

Giới khoa học vẫn chia rẽ về tính khả thi của ý tưởng này. Nhà khoa học khí hậu Michael Mann hồi năm 2015 từng cho rằng "có quá nhiều thứ có thể xảy ra và quá khó để xác định bắt đầu kế hoạch từ đâu".

Hình minh họa một khu định cư theo thiết kế của O'Neill.
Hình minh họa một khu định cư theo thiết kế của O'Neill. (Ảnh: NASA).

Tỷ phú Bezos và công ty Blue Origin cũng tập trung vào đưa người rời Trái đất, nhưng hướng tới các khu định cư trên không gian. Ông lo ngại rằng tài nguyên của thế giới có thể cạn kiệt trong vài trăm năm nữa, buộc nhân loại phải tìm cách sinh sống ngoài vũ trụ.

Bezos lấy cảm hứng từ các công trình nghiên cứu của Gerard O'Niell. Nhà vật lý ở Đại học Princeton từng vạch ra thiết kế tổng thể cho những căn cứ trên vũ trụ từ thập niên 1970.

O'Neill đề xuất sử dụng hai ống hình trụ quay ngược chiều nhau để tạo trọng lực nhân tạo và kết nối ở hai đầu. Cấu trúc khổng lồ này có thể đạt đường kính 6,5km và dài 26km. Bên trong mỗi ống trụ là môi trường nhân tạo, mô phỏng khí hậu và khung cảnh trên Trái đất. Vỏ ngoài của chúng được bọc đá Mặt Trăng để ngăn tia vũ trụ.

Cư dân sẽ sống trong những căn hộ nhìn ra nông trại bên ngoài. "Điều kiện sống tại đây có thể dễ chịu hơn phần lớn địa điểm trên Trái đất", O'Neill viết năm 1974.

Nhà khoa học Mỹ hình dung mỗi công trình có thể đạt diện tích gần 78.000 km vuông và duy trì cuộc sống cho khoảng 700 triệu người. Nó có thể được đặt ở quỹ đạo ổn định giữa Trái đất và Mặt Trăng, nơi đủ chỗ vận hành cho hàng nghìn công trình như vậy.

Bezos rất hâm mộ thiết kế của O'Neill và từng tiết lộ tham vọng đưa hàng nghìn tỷ người lên sinh sống ở những công trình trên vũ trụ, dù Nadis cho rằng điều này sẽ cần hàng trăm năm để thành hiện thực.

Ông chủ Amazon khẳng định nhiệm vụ của thế hệ này là đặt nền móng phát triển những khu định cư, cho phép thế hệ tương lai xây dựng chúng. "Những đứa trẻ ở đây, cũng như con cháu của chúng, sẽ là những người làm nên khu định cư kiểu O'Neill", Bezos nói trong một hội thảo ở thủ đô Washington của Mỹ hồi năm ngoái.

Một căn cứ trên Mặt Trăng có vẻ hiện thực hơn trong tương lai gần. Đó cũng là giấc mơ của nhiều người, trong đó có Bezos và tỷ phú công nghệ Nhật Bản Yusaku Maezawa, người từng đăng thông báo tìm kiếm bạn gái cùng bay lên Mặt Trăng hồi đầu năm nay.

Những khu định cư ban đầu sẽ là các khối nhà ở đơn giản dạng module, được chế tạo trên Trái đất và đưa lên Mặt Trăng bằng tên lửa. Bên cạnh đó là tiềm năng từ ống dung nham trên Mặt Trăng, những đường hầm khổng lồ được tạo thành bởi dòng chảy nham thạch từ xa xưa. Chúng có thể ngăn tai vũ trụ và bảo đảm nhiệt độ ổn định hơn trên bề mặt.

Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà chưa ai giải quyết được là khả năng sinh sản. Quá trình thụ thai trên vũ trụ rất khó khăn, chưa kể tới bức xạ trong vũ trụ có thể khiến con người trở nên vô sinh. "Các nhà khoa học Nga từng thử nghiệm trên chuột. Chúng không thể sinh sản trên không gian, những cá thể được đưa về mặt đất và giao phối với chuột thông thường cũng cho ra thế hệ con nhiều bất thường", Nadis cho hay.

Nhiều hoạt động của cơ thể cũng biến đổi khi sinh sống lâu dài trên không gian. Cơ thể người đã quen với ngày dài 24 giờ, trong khi một ngày trên Mặt Trăng dài tới hơn 27 ngày trên Trái đất.

Nadis vẫn ca ngợi tầm nhìn của các tỷ phú công nghệ đang theo đuổi giấc mơ không gian. "Những gì từng rất xa vời đang tiến gần vào tầm tay con người. Văn hóa cũng đang thay đổi khi chúng ta đang coi mình là giống loài có khả năng sinh sống trên không gian, thay vì chỉ bó buộc trên Trái đất", Nadis đánh giá.

Cập nhật: 26/09/2020 Theo VnExpress
  • 1.582