Ngày 28-9, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã ký cam kết bảo tồn loài sao la. Theo đó,hai khu bảo tồn mới, một ở Thừa Thiên Huế và một ở Quảng Nam được thành lập.
Ngày 28-9 tại Hội An, Quảng Nam, Chương trình Bảo tồn Cảnh quan Trung Trường Sơn tổ chức Hội thảo khoa học về bảo loài Sao la (tên khoa học là Pseudoryx nghetinhensis.
Trung Trường Sơn là khu bảo tồn mới thành lập mang lại cơ hội sống sót cho Sao la, loài động vật mới được phát hiện và đang nằm ở mức cực kỳ nguy cấp.
Hàng loạt hoạt động về công tác bảo tồn loài động vật quí hiếm này sẽ được thông qua tại hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, nhằm bảo đảm cho sự tồn tại của loài động vật này ở Việt Nam sau 20 năm kể từ khi loài này được phát hiện.
|
Sao la - một loài động vật cần được bảo vệ nghiêm ngặt. (Ảnh: Vũ Trung) |
Trong chương trình bảo tồn này, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam đã ký một bản cam kết bảo tồn loài sao la, gồm mười điểm hành động ứng dụng cho mỗi tỉnh. Trong bản cam kết này, hai khu bảo tồn mới, một ở Thừa Thiên Huế và một ở Quảng Nam, đã được công bố.
Mỗi khu bảo tồn có diện tích 121 km
2. Đây là hai khu bảo tồn sao la mới thành lập nằm gần nhau với một khu mở rộng có diện tích 165km
2 nối hai khu bảo tồn này với vườn quốc gia Bạch Mã rộng 220km
2.
Như vậy, một vùng bảo tồn có tổng diện tích 2,920km
2 đã được hình thành trải dài liên tục từ bờ biển Việt Nam đến Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Xe Sap ở Lào. Đây chính là một hành lang thiên nhiên ít chịu ảnh hưởng bởi sự phát triển, sự thay đổi khí hậu, và những tác động của con người.
Việc thành lập thêm ba khu mở rộng trong mạng lưới các khu bảo tồn ở Việt Nam đã tạo ra một khu vực sinh sống an toàn rất cần thiết cho loài sao la. Ngoài ra, đây cũng là nơi sinh sống của một số loài động vật đặc hữu có nguy cơ tuyệt chủng như mang Trường Sơn, voọc ngũ sắc, vượn má trắng, và nhiều loài khác mới được phát hiện và chưa được công bố.
Săn bắt, vốn là tình trạng rất phổ biến tại khu vực sao la sinh sống, chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tuyệt chủng của sao la. Theo một nghiên cứu do WWF tiến hành trong năm vừa qua, số lượng Sao la đã giảm đi một cách nhanh chóng kể từ khi loại bẫy thòng lọng xuất hiện vào khoảng giữa những năm 90.
Việc săn bắt có nguyên nhân phát sinh từ nhu cầu tiêu thụ thịt các loài động vật hoang dã ở những trung tâm đô thị phát triển như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm cái bẫy được giăng một lúc và chó săn cũng là mối đe dọa lớn đối với Sao la, vì loài này gần như không có được phản ứng tự vệ đối với loài chó.
Sao la là loài động vật lớn có vú đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ năm 1936. Sao la chỉ sinh sống duy nhất tại dãy núi Trường Sơn thuộc Việt Nam và Lào, cụ thể là tại các khu vực thuộc 6 tỉnh ở Việt Nam và 4 tỉnh ở Lào.
Mặc dù hiện nay có rất ít thông tin về loài Sao la, nhưng tổng số sao la trên toàn thế giới ước tính chỉ còn không quá 250 con và trên thực tế có thể thấp hơn nhiều. Hơn thế nữa, Sao la còn bị chia nhỏ trong chín tiểu quần thể sao la sống rải rác, trong đó quần thể có số lượng đông nhất sống ở khu vực phía nam của phạm vi phân bố của loài này, nằm ở biên giới giữa hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
Vũ Trung