"Thây ma" nửa tỉ năm chui vào lòng Trái đất, mắc kẹt giữa kim cương

  •  
  • 1.532

Nghiên cứu mới đã hé lộ cách mà sự bùng nổ sự sống 541 triệu năm trước để lại những dấu vết khó tin ở sâu trong lòng Trái đất, nơi lớp phủ đầy kim cương.

Nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi nhà địa hóa học Andrea Giulani từ ETH Zurich (Thụy Sĩ) đã tìm thấy dấu hiệu của những sinh vật kỷ Cambri bên trong kimberlite, một loại đá núi lửa chứa đầy kim cương, vốn được đưa lên từ hàng trăm km bên dưới mặt đất.

Theo Science Alert, họ tìm thấy sự thay đổi tỉ lệ của các đồng vị carbon cụ thể vào khoảng 250 triệu năm trước, khoảng thời gian mà trầm tích từ Vụ nổ kỷ Cambri - cuộc bùng nổ sinh học hàng trăm triệu năm trước - sẽ lắng đọng vào lớp phủ của Trái đất, thông qua hoạt động địa chất phức tạp của hành tinh.

Đá kimberlite
Đá kimberlite giàu carbon, bao gồm cả kim cương và "thây ma" của các sinh vật hơn nửa tỉ năm tuổi vừa được đưa trở lại mặt đất - (Ảnh: David Swart)

Carbon mắc kẹt trong trầm tích không thể đến từ các quá trình phi sinh học, theo kết quả phân tích đồng vị.

Đó là phần còn lại của các sinh vật sống trên Trái đất vào kỷ Cambri. Quá trình hút chìm trong hoạt động kiến tạo mảng đã khiến những mảnh vỏ Trái đất "cõng" trên lưng trầm tích chứa đầy các "thây ma" kỷ Cambri chui xuống bên dưới, tái tạo thành lớp phủ sâu.

Như đã biết, vỏ Trái đất không liền mạch mà gồm 15-20 mảng kiến tạo, liên tục trượt lên nhau, trồi lên hay chui xuống dưới nhau, gây nên sự thay đổi hình dạng lục địa và đại dương liên tục trong suốt lịch sử địa cầu.

Lớp phủ cũng là nơi hầu hết kim cương của Trái đất được hình thành, do đó các thây ma cổ đại này tìm được cho mình một mộ phần mới giữa kim cương, để rồi một số trong chúng lại vô tình nằm ngay mạch phun trào của núi lửa, cùng với các vật liệu lớp phủ khác phơi ra dưới ánh sáng Mặt Trời lần nữa khi núi lửa phun trào, trong khi hầu hết vẫn đang "yên nghỉ" hàng trăm km dưới chân chúng ta.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Science Advances.

Cập nhật: 12/03/2022 Theo NLĐ
  • 1.532