Ngay sau khi hơn 20 chuyên gia trong các lĩnh vực khẳng định ngôi mộ được tìm thấy ở An Dương, Hà Nam là giả hồi cuối tháng 8, các nhà khảo cổ trực tiếp khai quật ngôi mộ cũng lên tiếng phản bác. Cho đến ngày hôm qua, hàng loạt các chứng cứ lại tiếp tục được các chuyên gia đưa ra để chứng minh ngôi mộ Tào Tháo ở Hà Nam là giả.
>>> Giới khảo cổ khẳng định mộ Tào Tháo là thật
>>> Mộ Tào Tháo bị nghi là của cháu ông
>>> “Mộ Tào Tháo” không phải là mộ Tào Tháo?
Vào cuối tháng 8 vừa qua, hơn 20 chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau khi tham gia một cuộc hội thảo về lịch sử thời kỳ Tam Quốc đã đưa ra những lập luận và chứng cớ khác nhau khẳng định ngôi mộ ở An Dương không thuộc về Tào Tháo. Tiếp đó, nhiều chuyên gia khẳng định các nhà khảo cổ Hà Nam đã làm giả ngôi mộ Tào Tháo với mục đích trục lợi.
Ngay sau khi những ý kiến này được đưa ra dư luận đã nóng lên từng ngày với những thông tin về nơi yên nghỉ cuối cùng của nhân vật lịch sử nổi tiếng Tào Tháo. Các nhà khảo cổ Hà Nam, những người chịu trách nhiệm khai quật ngôi mộ vẫn khẳng định họ không hề tạo giả ngôi mộ và ngôi mộ ở An Dương chính xác là của Tào Tháo.
Cho đến ngày hôm qua, các chuyên gia ở “phe phản Tào” lại tiếp tục đưa ra những bằng cứ khẳng định ngôi mộ nói trên không phải là nơi chôn cất Tào Tháo.
Tiến sĩ Trương Quốc An, thuộc Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết khi nghiên cứu hình ảnh những tấm bia đá do Sở Văn vật Hà Nam công bố, ông phát hiện ra 2 tấm bia có khắc các chữ “Hoàng đậu nhị thăng” (nghĩa là 2 thăng đậu nành) và “Trúc trâm ngũ thiên mai” (nghĩa là 5000 chiếc trâm bằng trúc).
Ông An cho biết, cùng với tâm bia “Ngụy Vũ Vương”, hai tấm bia này là những bằng chứng chống lại kết luận, ngôi mộ ở An Dương là của Tào Tháo.
Thứ nhất, tra cứu tất cả các sử liệu của Trung Quốc thì hai chữ “hoàng đậu” (đậu nành) chỉ xuất hiện bắt đầu từ thời đại nhà Đường (618 - 907). Ở thời Hán (206 TCN - 220), người ta gọi đậu nành bằng hai chữ “đại đậu” chứ không phải “hoàng đậu”.
“Như vậy không lẽ tấm bia thời Đường này đã vượt thời gian để chui vào ngôi mộ Tào Tháo?”, vị tiến sĩ của Đại học Sư phạm Bắc Kinh nói.
Ngoài ra, việc xuất hiện tấm bia có đề dòng chữ “5000 chiếc trâm bằng trúc” mặc dù không mẫu thuẫn về thời đại nhưng cũng khiến người ta phải đặt câu hỏi khi trong cả 2 gian của ngôi mộ không hề có chút dấu vết nào của chúng.
Ông An cho biết, theo những ghi chép của sử sách thì việc sử dụng trâm trúc bồi táng là một tập tục của giới quý tộc. Dựa vào thân thế của Tào Tháo thì việc bồi táng trâm trúc là điều không khó tưởng tượng.
Tuy nhiên, vì sao một số lượng lớn trâm trúc như vậy (5000 chiếc) lại hoàn toàn không để lại chút dấu vết trong ngôi mộ được cho là của Tào Tháo này. Dù cho ngôi mộ đã bị trộm nhiều lần thì đây vẫn là một điểm rất đáng nghi ngờ, ông An khẳng định.
Tiến sĩ Trương Quốc An cũng là tác giả của cuốn sách “Lật đổ mộ Tào Tháo” xuất bản tháng 6 năm nay, trong đó ông đưa ra những luận điểm khẳng định ngôi mộ ở An Dương không thể là mộ Tào Tháo.
Mặc dù các chuyên gia khảo cổ học khẳng định nhiều lần rằng ngôi mộ ở An Dương xác thực là mộ của Tào Tháo, song rõ ràng những điểm nghi ngờ mà các chuyên gia đặt ra buộc người ta phải xem xét lại tính chân xác của ngôi mộ ở An Dương.