Chỉ với dáng vẻ bên ngoài có thể dễ dàng nhận diện cây Vông Đồng là một loài thực vật nguy hiểm. Chúng được biết đến là một trong 5 loài cây độc nhất thế giới.
Được coi là một trong những loài thực vật nguy hiểm nhất trên thế giới, cây Vông đồng không thích hợp để trồng làm cảnh hoặc che mát. Chỉ với dáng vẻ bên ngoài, chúng ta đã có thể dễ dàng nhận diện cây vông đồng là một loài thực vật nguy hiểm, bởi lớp thân của chúng chi chít những gai nhọn cỡ lớn. Vì vậy cây vông đồng còn có tên gọi khác là "khỉ không leo".
Cây vông đồng.
Cây vông đồng (Hura crepitans), hay ngô đồng, mã đậu, ba đậu tây, là một loài cây bản địa ở Nam Mỹ. Cây này có quả to, cứng với khoảng 15-20 mảnh hình múi nổi tròn, hạt của nó có hình mắt chim, phía trên phủ lớp lông.
Cây có thể cao tới 40 mét, chu vi 1 mét trong môi trường sống tự nhiên và nó được xem là một trong những cây lớn nhất của châu Mỹ nhiệt đới. Bề mặt thân cây có gai màu sẫm, hình nón, vỏ cây màu xám.
Phần vỏ đầy gai của cây vông đồng cũng là một vũ khí lợi hại, thậm chí được so sánh với thiết bị "tra tấn" thời Trung Cổ. Những chiếc gai hình nón, rộng 1,2 cm ở phần gốc nhọn như đầu kim. Gai nhọn bao phủ từ trên xuống dưới gốc với mật độ dày đặc tạo thành một bộ "áo giáp" không thể xuyên thủng.
Bề mặt thân cây có gai màu sẫm, hình nón, vỏ cây màu xám.
Cây vông đồng có hoa đực và hoa cái. Hoa đực đơn tính, màu đỏ, không có cánh hoa mọc thành chùm dài khoảng 5 cm; hoa cái màu nâu đỏ đơn độc và ở nách lá. Quả vông đồng dài khoảng 3 - 5 cm, rộng 5 - 8 cm, khi chín chuyển sang màu nâu đỏ, chứa các hạt dẹt rộng khoảng 2 cm. Quả có khoảng trên 10 múi bao quanh.
Quả của cây vông đồng có hình dáng như bí đỏ nhưng kích thước nhỏ hơn (chỉ bằng nắm tay). Sau khi đạt đến độ chín cần thiết, quả vông đồng có thể vỡ tung thành từng phần để phát tán hạt (có kèm theo tiếng nổ). Được biết, sức mạnh từ một vụ nổ như vậy có thể bắn hạt giống bay xa đến hơn 14 mét với tốc độ 70 mét/giây. Và đương nhiên những loài động vật “xui xẻo” nằm trong tầm bay của hạt hoàn toàn có thể bị thương.
Quả của cây vông đồng.
Không chỉ gây thương tích vật lý từ việc phát nổ, quả của cây vông đồng có độc, gây nôn mửa, tiêu chảy, chuột rút nếu ăn phải. Nhựa cây màu đỏ như máu được cho là có thể gây phát ban đỏ và có thể làm bạn bị mù nếu bị dính vào mắt. Nhựa cây vông đồng được thổ dân sử dụng để làm phi tiêu độc.
Cây vông đồng là một trong 14 nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm da tiếp xúc thực vật ở Cộng hòa Dominica. Người bản xứ Trung và Nam Mỹ dùng phần vỏ, hạt và gai cây phơi khô để làm đồ trang sức do đó, nếu không biết cách, các phần của quả gỗ có thể gây viêm da khi chúng được sử dụng làm vòng tay và vòng cổ.
Nhựa cây cũng là loại chất độc, tạo ra mẩn đỏ khó chịu nếu vô tình tiếp xúc trên da. Để nhựa dính vào mắt, nó có thể khiến bạn bị mù tạm thời. Người dân trên đảo Java, Indonesia, thường sử dụng nhựa cây làm thuốc trừ sâu, còn người Brazil từng dùng nước sắc từ vỏ trên thân với tác dụng tẩy mạnh. Tương tự, ở Congo, hạt cây cũng dùng làm thuốc tẩy.
Mặc dù rất độc, các bộ phận của cây đã được sử dụng cho mục đích y học và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo không tự ý thử bất kỳ phương pháp điều trị nào bằng loại cây này khi không có sự giám sát của chuyên gia.