Khai quật cổ mộ, tìm thấy hài cốt Tào Tháo?

  •  
  • 4.107

Theo Đông Phương ngày 25/3, mộ Tào Tháo là một bí ẩn lịch sử hàng ngàn năm qua chưa có lời giải; tuy nhiên công cuộc tìm kiếm hài cốt của nhân vật lịch sử gây tranh cãi này đã có tiến triển quan trọng.

Đội khảo cổ đang khai quật Cao Lăng tương truyền là nơi mai táng Tào Tháo ở An Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), thông báo rằng họ đã tìm được 3 bộ hài cốt gồm 1 người nam, 2 nữ ở bên trong khu mộ.


Toàn cảnh khu vực Cao Lăng đang được tiến hành khai quật.

Sau khi giám định, các chuyên gia cho rằng: “Một trong 3 bộ hài cốt đó chính là Tào Tháo”. Tào Tháo được chôn trong huyệt mộ chính, còn 2 người phụ nữ thì chôn trong một huyệt mộ phụ kề bên.

Đội khảo cổ cho biết, 3 di cốt này được tìm thấy trong mộ, trong đó bộ hài cốt đàn ông còn khá hoàn chỉnh, được phán đoán khoảng 60 tuổi, được xác định là Tào Tháo (155-220 sau Công nguyên); còn 2 người phụ nữ thì một già, một trẻ; người già khoảng 50 tuổi, người trẻ khoảng 20 tuổi; nhưng bộ di cốt người phụ nữ trẻ hơn không còn nguyên vẹn, cần phải đợi giám định thêm.

Tuy nhiên hiện vẫn có một vấn đề còn gây tranh cãi. Theo ghi chép trong “Tam Quốc chí. Ngụy thư. Hậu phi truyện” thì bà vợ Tào Tháo là Biện Thị được hợp táng cùng ông, nhưng theo sử chép thì khi ấy Biện Thị khoảng 70 tuổi. Các chuyên gia khảo cổ nói, tuy hiện chưa chắc chắn về nhân thân hai người phụ nữ được mai táng trong mộ, nhưng căn cứ vào xương đầu thì có thể mạnh dạn phán đoán: người già là Biện phu nhân mẹ của Tào Phi; người trẻ là Lưu phu nhân, mẹ của Tào Ngang.


Các chuyên gia khảo cổ đang đào lấy xương hộp sọ Tào Tháo.


Xương sọ được cho là của Tào Tháo.


Tranh vẽ chân dung Tào Tháo.

Theo Ifeng ngày 25/3, ông Chu Lập Cương ở Viện nghiên cứu khảo cổ Hà Nam, người phụ trách cuộc khai quật này nói: “Những chứng cứ này chứng tỏ Tào Phi không tuân theo di chúc của Tào Tháo “không xây mộ không trồng cây”, "bạc táng" (mai táng đơn giản) cha mình, nhưng vẫn có công trình kiến trúc trên mặt đất”.

Theo ghi chép trong “Tam Quốc chí. Ngụy thư. Vũ đế kỷ”, năm Kiến An thứ 23, Tào Tháo ban lệnh: sau khi ông chết thì mai táng đơn giản ở khu đất cao phía Tây đền Tây Môn Báo, không xây mộ, không trồng cây…

Thế nhưng, hiện các nhà khảo cổ đã phát hiện di chỉ kiến trúc rộng hàng ngàn mét vuông trên mặt đất. Chu Lập Cương cho rằng, điều đó cho thấy Tào Phi không tuân theo di chúc của cha. Ông cho rằng, điều này có liên quan đến lòng trung hiếu của Tào Phi. Với tâm lý đó, Tào Phi không muốn phần mộ cha mình quá lạnh lẽo.


Hiện trường khai quật mộ chính nơi tìm thấy di cốt Tào Tháo.


Không ảnh chụp khu vực khai quật.

Chuyên gia khảo cổ Phan Vĩ Bân suy đoán, Tào Phi đã chủ động phá hủy những kiến trúc mặt đất để đề phòng người đời sau đào trộm mộ cha. Điều này cũng thấy ghi chép trong “Tấn thư. Lễ chí trung”: Năm Hoàng Sơ thứ 3, Tào Phi hạ chiếu phá hủy điện thờ trên Cao Lăng, mục đích là thể hiện đức tiết kiệm của Tiên đế. Điều này cho thấy khu lăng không phải bị hủy hoại b hủy hoại bởi thiên nhiên hoặc do trả thù.

Được biết, hiện nay Hà Nam đang gấp rút triển khai xây dựng khu mộ này thành bảo tàng, dự kiến phải 2-3 năm nữa mới xong.

Cập nhật: 26/03/2018 Theo Tiền Phong
  • 4.107